Giá dầu hôm nay 21/8: Ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong hơn 9 tháng

Thị trường
12:21 PM 21/08/2021

Giá dầu thô tiếp đà giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng nay, sau khi giới đầu tư "tháo chạy" khỏi thị trường vì dự đoán nhu cầu nhiên liệu toàn cầu sẽ suy yếu vì số ca COVID-19 tăng chóng mặt.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 61,86 USD/thùng, giảm 1,64 USD/thùng trong phiên. Và, nếu so với cùng thời điểm ngày 20/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2021 đã giảm 2,09 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 64,98 USD/thùng, giảm 1,47 USD/thùng trong phiên và đã giảm 1,74 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 20/8.

Giá dầu hôm nay 21/8: Ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong hơn 9 tháng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Giá dầu ngày 21/8 giảm mạnh, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong hơn 9 tháng khi lo ngại về tình trạng bất ổn ở Afghanistan đối với thị trường tài chính toàn cầu ngày một lớn, còn dịch COVID-19 với biến thể Delta đang tác động ngày một lớn hơn đến các hoạt động kinh tế toàn cầu.

Nhật Bản là quốc gia mới nhất phải mở rộng tình trạng khẩn khi số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh trở lại. Trước đó, một loạt các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đã phải áp dụng nhiều biện pháp phong toả, giãn cách xã hội đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu.

Trung Quốc đã áp dụng các phương pháp khử trùng nghiêm ngặt hơn tại các cảng, gây ra tình trạng tắc nghẽn, trong khi các quốc gia, gồm cả Australia, đã tăng cường biện pháp hạn chế đi lại và nhu cầu nhiên liệu máy bay toàn cầu giảm trở lại sau khi cải thiện trong gần cả mùa hè.

Ông John Kilduff, đối tác của Again Capital LLP (New York, Mỹ), nhận định giá dầu khó có thể tìm thấy sự hỗ trợ với tình hình không chắc chắn như hiện nay.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 1,9% xuống 65,18 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 4 và giảm khoảng 8% trong tuần. Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 2,2% xuống 62,32 USD/thùng, và mất hơn 9% trong tuần.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã áp đặt các hạn chế mới với chính sách "không khoan nhượng", theo đó ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển và chuỗi cung ứng toàn cầu. HMỹ và Trung Quốc cũng đã áp đặt các hạn chế về hàng không.

Một số công ty Mỹ đã trì hoãn kế hoạch quay trở lại làm việc. Theo Bloomberg, Apple, công ty lớn nhất Mỹ tính theo giá trị thị trường, đang hoãn việc đưa công nhân trở lại cho tới đầu năm 2022.

Ngoài ra, đồng USD đạt mức cao nhất trong 9 tháng sau những dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang xem xét giảm kích thích trong năm nay. Giá dầu biến động trái chiều với đồng bạc xanh, vì đồng USD manh khiến dầu trở nên đắt hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

Trong khi biến thể Delta khiến nhu cầu nhiên liệu giảm, nguồn cung vẫn tăng đều đặn. Công ty dịch vụ Baker Hughes cho biết sản lượng của Mỹ đã tăng lên 11,4 triệu thùng/ngày trong tuần gần đây nhất.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đang dần tăng nguồn cung vốn đã bị siết chặt khi trong đại dịch bùng phát.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn