Giá dầu hôm nay 25/10: Nhận cú hích mới, dầu vững đà tăng
Những dấu hiệu về việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu cộng với dữ trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm đã đẩy giá dầu hôm nay tăng mạnh.
Sáng 25/10, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2021 đứng ở mức 84,18 USD/thùng, tăng 0,42 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2021 đứng ở mức 85,68 USD/thùng, tăng 0,15 USD/thùng.
Giá dầu ngày 25/10 duy trì đà tăng, bất chấp giá dầu thô đã vọt lên mức cao nhất 8 năm, khi các nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo sẽ tăng mạnh và nguồn cung khan dầu khan hiếm.
Thông tin được Bloomberg phát đi, Trung Quốc đã cấp hạn ngạch nhập khẩu thêm hàng triệu tấn dầu thô cho các công ty trong nước và các công ty này đang ráo riết đi tìm nguồn cung dầu thô giao trong tháng 11 và 12/2021 từ thị trường Mỹ. Theo nhiều chuyên gia, đây chính là động lực thúc đẩy giá dầu thô tăng mạnh trong những phiên giao dịch gần đây.
Bên cạnh đó, thị trường dầu đi lên bởi việc tồn kho tại trung tâm lưu trữ dầu thô Cushing, Oklahoma của Mỹ giảm mạnh, trái ngược với các dự báo tăng được đưa ra trước đó cũng là nhân tố thúc đẩy giá dầu hôm nay đi lên, bất chấp những nỗ lực hạ nhiệt tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc và châu Âu.
Trong khi đó, các công ty năng lượng Mỹ đã giảm số giàn khoan dầu và khí đốt lần đầu tiên trong 7 tuần vào tuần trước dù giá dầu thô WTI của Mỹ mới xác lập đỉnh 7 năm.
Cụ thể, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu và khí đốt của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm 1 giàn xuống 542 trong tuần tính đến ngày 22/10.
Bất chấp sự sụt giảm trong tuần này, tổng số giàn khoan vẫn tăng 255 giàn, tương đương 89%, so với thời điểm này năm ngoái.
Trong đó các giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 2 giàn xuống 443 trong tuần trước, trong khi số giàn khoan khí đốt tăng thêm 1 lên 99 giàn. Đây là lần giảm đầu tiên đối với các giàn khoan dầu và là lần tăng đầu tiên của các giàn khoan khí đốt kể từ đầu tháng 9.
Với giá dầu tăng khoảng 72% trong năm nay, một số công ty năng lượng cho biết họ có kế hoạch tăng chi tiêu vào năm 2021 sau khi giảm chi phí khoan và hoàn thiện trong năm 2019 và 2020.
Tuy nhiên, mức tăng chi tiêu đó vẫn nhỏ do hầu hết công ty tiếp tục tập trung vào việc thúc đẩy dòng tiền, giảm nợ và tăng lợi nhuận cho cổ đông thay vì tăng thêm sản lượng, theo Reuters.
Sản lượng dầu của Mỹ dự kiến sẽ giảm từ 11,3 triệu thùng/ngày vào năm 2020 xuống 11 triệu thùng/ngày vào năm 2021 trước khi tăng lên 11,7 triệu thùng/ngày vào năm 2022, theo dự báo của chính phủ.
Ngoài ra, giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy mạnh bởi nhu cầu năng lượng tăng cao khi các nước tiếp tục lộ trình nới lỏng các quy định phòng chống chống dịch COVID-19.
Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.