Giá dầu hôm nay 29/9: Giảm mạnh sau khi dầu Brent lần đầu tiên trong 3 năm chạm mốc 80 USD/thùng

Thị trường
09:15 AM 29/09/2021

Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng nay sau khi dầu thô Brent vượt 80 USD/thùng lần đầu tiên trong 3 năm. Vì đà tăng 5 ngày khiến các nhà đầu tư nghĩ đến việc chốt lời.

Sáng ngày 29/9 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 75,34 USD/thùng, giảm 0,11 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 28/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2021 đã tăng 0,54 USD/thùng.

Giá dầu hôm nay 29/9: Giảm mạnh sau khi dầu Brent lần đầu tiên trong 3 năm chạm mốc 80 USD/thùng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 79,31 USD/thùng, giảm 0,22 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng 0,43 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 28/9.

Giá dầu có xu hướng hạ nhiệt do lo ngại các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá bị gián đoạn bởi tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu và Trung Quốc.

Theo giới phân tích, tình trạng này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu thô nhưng ngược lại, nó cũng sẽ kéo theo tình trạng thu hẹp, giảm công suất sản xuất, và điều này có thể làm gia tăng tình trạng khan hiếm nhiều loại hàng hoá, vốn dĩ đang thiếu hụt và giá cả tăng cao, sẽ là lực cản kéo tụt đà tăng trưởng, phục hồi kinh tế toàn cầu.

Thị trường cũng phải đối mặt với những khó khăn từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

"Việc phân bổ năng lượng gần đây cho các ngành công nghiệp ở Trung Quốc để giảm lượng khí thải có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, theo đó có khả năng bù đắp việc sử dụng dầu diesel ngày càng nhiều trong sản xuất điện", Ngân hàng đầu tư Barclays cho biết.

Hôm qua, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng mạnh trong vài năm tới khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, đồng thời cho biết thêm rằng thế giới cần tiếp tục đầu tư vào sản xuất để ngăn chặn khủng hoảng ngay cả khi nó đang chuyển đổi sang các dạng năng lượng sạch hơn.

Một số thành viên của nhóm các nhà sản xuất OPEC+, gồm cả Nga và một số quốc gia khác, đã giảm sản lượng trong thời gian xảy ra đại dịch và đang gặp khó khăn trong việc tăng cường để đáp ứng nhu cầu đang phục hồi.

Các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của châu Phi là Nigeria và Angola sẽ phải chật vật ít nhất cho đến năm sau để tăng sản lượng lên mức hạn ngạch do OPEC đặt ra.

Sản xuất của Mỹ đã giảm do cơn bão Ida và Nicholas quét qua Vịnh Mexico của Mỹ vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 làm hư hại các giàn khoan, đường ống và các trung tâm chế biến.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn