Giá dầu hôm nay 5/7: Giảm nhẹ khi chờ quyết định từ OPEC+

Thị trường
09:35 AM 05/07/2021

Giá dầu hôm nay giảm nhẹ bởi thị trường dầu thô ngập trong không khí thận trọng khi các nước OPEC+ chưa đạt được sự thống về chính sách sản lượng thời gian tới.

Tính đến đầu giờ sáng ngày 5/7, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2021 đứng ở mức 74,31 USD/thùng, giảm 0,05 USD/thùng trong phiên.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2021 đứng ở mức 76,14 USD/thùng, giảm 0,03 USD/thùng trong phiên.

Giá dầu hôm nay 5/7: Giảm nhẹ khi chờ quyết định từ OPEC+ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Giá dầu giảm trước khi cuộc đàm phán về chính sách sản lượng của OPEC+ được tiếp tục vào cuối ngày hôm nay sau khi kết thúc vào ngày 2/7 tuần trước mà không đạt được thỏa thuận tăng sản lượng do yêu cầu từ UAE (các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) về các điều khoản cao hơn.

Sự bế tắc này đã dẫn đến một cuộc tranh cãi ngoại giao hiếm hoi giữa Saudi Arabia và UAE. Thị trường cũng nhanh chóng dồn sự chú ý vào sự kiện này và tò mò về quyết định sẽ được đưa ra.

Theo Bloomberg, hầu hết các thành viên OPEC+ ủng hộ đề xuất tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8 và đẩy lùi thời hạn của thỏa thuận cung cấp rộng hơn vào cuối năm 2022.

Trong khi, UAE mong muốn thay đổi thuộc tính cơ sở được sử dụng để tính hạn ngạch. Động thái này có thể cho phép tăng sản lượng hàng ngày thêm 700.000 thùng.

Nhận định về cục diện trên, Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Australia và New Zealand Banking Group Ltd. ở Sydney cho rằng: “Thị trường đang lo lắng trước sự thống nhất yếu ớt của OPEC+. Trong trường hợp xấu nhất, nếu vẫn tiếp tục bất đồng quan điểm, thị trường có thể bị chấn động mạnh".

Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích thị trường dầu tại Rystad Energy bổ sung thêm, nếu có sự rạn nứt về quan điểm của các bên, thị trường dầu có thể rơi vào một đợt giảm giá tương tự như khi chứng kiến Nga rời OPEC+ tại cuộc họp hồi tháng 3/2020 và sau đó là cuộc chiến giá dầu.

Áp lực từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng là điều đáng quan tâm, với lạm phát tại nền kinh tế số một thế giới phần nào bị thúc đẩy bởi giá dầu.

Tại Mỹ, các công ty năng lượng đã bổ sung thêm giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên lần thứ ba trong bốn tuần khi giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2018 thúc đẩy một số công ty khoan quay trở lại thị trường.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết số lượng giàn khoan dầu và khí đốt, một chỉ số ban đầu về sản lượng trong tương lai, đã tăng thêm 5 giàn lên 475 trong tuần tính đến ngày 2/7, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Theo đó nâng tổng số giàn khoan tăng thêm là 212 giàn, tương đương 81%, so với thời điểm này năm ngoái. Số giàn khoan cũng đã tăng 95% kể từ khi giảm xuống mức thấp kỷ lục 244 vào tháng 8/2020.

Tuy nhiên, giá dầu hôm nay chỉ giảm nhẹ bởi được hỗ trợ từ thông tin tích cực từ thị trường lao động Mỹ.

Cụ thể, theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ phát đi ngày 2/7, trong tháng 6/2021, kinh tế Mỹ đã tạo ra 885.000 việc làm, vượt xa con số 706.000 việc làm được giới chuyên gia đưa ra trước đó, và cao hơn rất nhiều con số 583.000 việc làm của tháng 5/2021.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn