Giá dầu lao dốc sau khi OPEC hủy cuộc họp
Giá dầu giảm mạnh sau khi trải qua một phiên giao dịch đầy biến động do các nước sản xuất OPEC hủy cuộc họp do những thành viên quan trọng không thể đi đến sự thống nhất về nguồn cung. Đồng USD tăng trở lại cũng gây áp lực giảm giá lên thị trường dầu mỏ.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, giá dầu thô Brent giảm 2,63 USD/thùng, tương đương 3,4%, xuống 74,53 USD, dù trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, là 77,84 USD/thùng.
Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng giảm 1,79 USD (tương đương 2,4%) xuống 73,37 USD/thùng, sau khi có thời điểm đạt 76,89 USD, cao nhất kể từ tháng 11/2014 (hơn 6 năm).
Việc giá dầu biến động mạnh trong phiên vừa qua chủ yếu do OPEC không đạt được thỏa thuận về sản lượng dầu mỏ trong thời gian tới.
Đáng chú ý, trong đầu phiên giao dịch, giá dầu đã tăng rất mạnh do thông tin về sự cố trong cuộc đàm phán của các nước sản xuất dầu lớn. Tuy nhiên, về cuối phiên giao dịch, giá dầu giảm mạnh vì các nhà giao dịch lo ngại khả năng sẽ xảy ra xung đột, khiến một số nước sản xuất dầu mỏ lớn mở rộng sản xuất, bơm thêm nhiều dầu ra thị trường.
OPEC hủy họp đẩy giá dầu Brent lên cao nhất kể từ 2018, dầu WTI cao nhất kể từ 2014 trước khi quay đầu lao dốc
Ngày 5/9, các Bộ trưởng OPEC (bao gồm Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và một số nước sản xuất dầu khác) đã từ bỏ cuộc đàm phán sau khi Saudi Arabia – nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC – và Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) bị chia rẽ về quan điểm. Trước đó, cuộc đàm phán lẽ ra diễn ra vào ngày 1/7, nhưng đã liên tục bị hoãn lại.
"Thị trường lo ngại rằng UAE sẽ can thiệp và đơn phương bổ sung thêm dầu vào sản lượng, và những thành viên khác của OPEC cũng sẽ làm theo", Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng kỳ hạn tương lai của Mizuho, cho biết.
Saudi Arabia cho biết họ sẽ thực hiện tăng sản lượng nhưng bác bỏ một đề xuất riêng biệt để kéo dài việc hạn chế sản lượng đến cuối năm 2022, từ thời điểm theo kế hoạch từ đầu đến lúc này là đến tháng 4/2022.
Theo đó, giống như Nga, Saudi Arabia dự kiến sẽ nâng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay.
Mặc dù đàm phán của OPEC sụp đổ, song một số nguồn tin OPEC cho biết họ vẫn tin rằng nhóm sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận trong tháng này và đồng ý bơm thêm dầu ra thị trường kể từ tháng 8, trong khi cũng có những thông tin khác cho biết những biện pháp hạn chế sản lượng như hiện tại có thể vẫn duy trì. Tuy nhiên, chưa có thời điểm ấn định nào cho cuộc đàm phán tiếp theo của nhóm này.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Ihsan Abdul Jabbar, hôm 5/7 nói rằng nước ông cam kết tuân thủ thỏa thuận hiện tại với OPEC và các đồng minh, và không muốn giá dầu tăng vượt mức hiện nay, nhằm duy trì sự ổn định của thị trường dầu. "Chúng tôi hợp tác với OPEC, với Saudi Arabia, Nga và các đồng minh chiến lược. Mục tiêu của chúng ta là đạt được sự ổn định về giá dầu, phù hợp với cả người tiêu dùng và nhà sản xuất", onog Jabbar nói với phóng viên Reuters qua điện thoại.
Nhà Trắng hôm thứ Ba (6/7) cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán của OPEC và đã "khích lệ" các quan chức Saudi Arabia và UAE gặp gỡ nhau.
Trong khi đó, tại Mỹ, các công ty năng lượng đã gia tăng số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên trong tuần qua, là tuần tăng thứ 3 trong 4 tuần gần đây. Thị trường dự báo các nhà sản xuất dầu Mỹ sắp bắt đầu bổ sung nguồn cung sau nhiều tháng hoạt động cầm chừng do giá dầu đã tăng lên. Sản lượng dầu của Mỹ hiện vào khoảng 11 triệu thùng/ngày, có khả năng sẽ trở lại gần mức kỷ lục 13 triệu thùng/ngày như năm 2019.
Quay trở lại với vấn đề OPEC, Goldman Sachs nhận định việc đàm phán lần này thất bại chuẩn bị cho một giai đoạn không chắc chắn về sản lượng dầu của nhóm này, mặc dù ngân hàng này vẫn duy trì dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt 80 USD/thùng trong mùa Hè này và sản lượng sẽ tăng dần vào đầu năm tới.
"Sự khác biệt giữa hai bên (Saudi Arabia và UAE) có thể vượt qua được khi họ đồng ý tăng sản lượng vào cuối năm. Thị trường dầu vẫn còn nhiều bấp bênh, nhất là chưa chắc chắn về cán cân cung – cầu dầu trong năm 2022, do đó không nhất thiết phải ký bất kỳ cam kết dài hạn nào ngay ngày hôm nay", theo quan điểm của ngân hàng Goldman Sachs.
Theo Goldman, sản lượng dầu mỏ sẽ tăng dần vào nửa cuối năm nay, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trong nửa đầu năm 2022 để dẫn tới chấm dứt tình trạng lượng dầu tồn trữ sụt giảm.
"Mặc dù mối đe dọa về một cuộc ‘chiến tranh giá’ mới của OPEC đã hiện hữu, nhưng tác động tiêu cực đối với giá dầu của cuộc chiến này sẽ giảm bớt do thị trường toàn cầu bắt đầu thiếu hụt 2,5 triệu thùng/ngày (vào lúc này), và cần sản xuất thêm 5 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay", Goldman cho biết.
Ngân hàng Barclays của Anh cũng cho rằng vẫn có nhiều khả năng tìm ra "các con đường" để giải quyết tình trạng bế tắc (của OPEC), có nghĩa là một cuộc chiến về giá tương tự như năm ngoái sẽ khó xảy ra.
"May mắn (cho OPEC ) là thị trường dầu vẫn đang khởi sắc, do các nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ vẫn dang ‘giữ kỷ luật’", Barclays cho biết, và dự báo giá dầu sẽ chỉ biến động mạnh trong ngắn hạn.
Tham khảo: Reuters
Vũ Ngọc DiệpThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.