Giá dầu lập đỉnh mới, trên 85 USD/thùng
Giá dầu thô tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới, trên 85 USD/thùng do dự báo tình trạng thiếu cung sẽ còn kéo dài trong vài tháng tới do giá khí đốt và than cùng tăng cao dẫn đến tình trạng chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm dầu.
Giá dầu Brent kỳ hạn tham chiếu chiều 15/10 theo giờ Việt Nam tăng vọt lên 85,10 USD/thùng, tính chung cả tuần tăng 3%, là tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cùng thời điểm cũng tăng lên 82,12 USD/thùng, tính chung cả tuần tăng 3,5% và là tuần tăng thứ 8 liên tiếp.
Các thị trường chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương, thường theo sát diễn biến giá dầu, cũng đồng loạt tăng điểm.
Kho dự trữ dầu của các nước OECD đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 khi nhu cầu xăng dầu trên toàn cầu hồi phục sau đại dịch COVID-19, cộng thêm việc ngành phát điện chuyển từ sử dụng than và khí đốt sang dầu nhiên liệu và diesel.
Nhà phân tích cấp cao của OANDA, Jeffrey Halley, cho biết: "Việc các thị trường châu Á sẵn sàng đuổi theo giá dầu dù giá liên tiếp tăng, tuần sau cao hơn tuần trước, thay vì chờ giá giảm mới mua vào là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy nhu cầu năng lượng vẫn còn mạnh mẽ".
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Năm (14/10) cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu tăng thêm 500.000 thùng mỗi ngày, dẫn tới chênh laachj cung – cầu lên tới 700.000 thùng/ngày vào cuối năm nay, cho đến khi Tổ chức Các nước Dầu mỏ và các đồng minh, cùng được gọi là OPEC , bổ sung thêm nguồn cung như kế hoạch vào tháng 1/2021.
Saudi Arabia đã bác bỏ lời kêu gọi gia tăng sản lượng cho OPEC , nói rằng việc nhóm này không nới lỏng cắt giảm sản lượng là đang bảo vệ thị trường dầu khỏi những biến động giá mạnh như trên thị trường khí thiên nhiên và than. Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức kỷ lục gần 13 triệu thùng/ngày của năm 2019. Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã miễn cưỡng đầu tư vào việc gia tăng sản lượng sau nhiều năm lợi nhuận thấp.
Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ, IEA đã nâng mức dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2022. "Giá dầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua do sự thiếu hụt khí đốt tự nhiên, LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) và than làm tăng nhu cầu về dầu mỏ, và điều này có thể khiến thị trường thiếu hụt ít nhất là đến cuối năm nay. Giá than và khí đốt ở mức cao kỷ lục, cũng như tình trạng thiếu điện sinh hoạt đang thúc đẩy ngành điện lực và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng chuyển sang dùng dầu để thắp sáng và sản xuất", báo cáo của IEA cho biết.
Theo IEA, nguồn cung dầu thế giới dự kiến sẽ tăng mạnh trong tháng 10 này, do sản lượng của Mỹ đã dần phục hồi sau khi bão Ida làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động khai thác dầu ở Vịnh Mexico cuối tháng 8 vừa qua. Nguồn cung cũng đang tăng lên khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC tiếp tục nới lỏng việc cắt giảm sản lượng.
Giá các loại năng lượng đang tăng như "nổi loạn". Trước hết là giá khí đốt đang tăng vọt trong bối cảnh Bắc bán cầu bắt đầu bước vào mùa Đông, tăng thêm áp lực lạm phát và làm dấy lên lo ngại rằng điều này có thể gây tổn hại tới các nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tiếp theo đó, những ngày gần đây, giá dầu thô cũng đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. IEA cho biết nhu cầu dầu mỏ toàn cầu hiện được dự báo sẽ tăng lên 96,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhiều hơn 5,5 triệu thùng so với dự báo trước đó. Cơ quan này cũng nâng mức dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu thêm 3,3 triệu thùng/ngày trong năm tới.
Tham khảo: Reuters
Vũ Ngọc DiệpKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.