Giá dầu quay lại quỹ đạo giảm do lo ngại nhu cầu yếu

Thị trường
09:08 AM 26/03/2021

Giá dầu thô đang trở lại quỹ đạo giảm giá kéo dài do những đợt phong tỏa mới bùng lên ở Châu Âu và Châu Á do tỷ lệ nhiễm Covid-19 gia tăng trở lại.

Dầu thô Brent phiên 25/3 giảm 2,46 USD (3,8%) xuống 61,95 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 2,62 USD (4,3%) xuống 58,56 USD/thùng.

Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, đã chứng kiến số ca nhiễm virus Covid-19 tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2021.

Bob Yawger, thương nhân thuộc công ty Mizuho ở New York, cho biết: "Đức, Ý và các khu vực khác trong khu vực đồng euro đang đi lùi và tác động của khu vực này đến các yếu tố cơ bản (cán cân cung – cầu) là rất lớn".

Tại Ấn Độ, chính quyền ở các vùng phía tây đã yêu cầu cho người dân ở trong nhà vì tình trạng nhiễm coronavirus mới đã lên đến mức cao nhất trong vòng 5 tháng.

Ở Mỹ, việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 được triển khai nhanh hơn tất cả các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại đợt du lịch nghỉ Xuân sẽ thúc đẩy số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng trở lại.

Đồng USD mạnh lên cũng ảnh hưởng tới giá dầu. Đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng so với euro do Mỹ có vẻ đang vượt qua đại dịch tốt hơn so với Châu Âu. USD tăng giá khiến cho giá dầu – tính bằng USD – trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.

Với sự giảm mạnh ở phiên vừa qua, giá dầu đã mất đi gần như toàn bộ mức tăng của phiên liền trước, tiếp diễn chuỗi những ngày biến động cực mạnh với biên độ dao động hàng ngày lên đến trên 4%.

Giá dầu giảm bất chấp con tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez vẫn chưa được giải phóng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì khúc kênh đó đã không còn bị tắc nghẽn nữa, vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ dầu thô trên thế giới được vận chuyển qua kênh đào này.

Những nước xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu qua kênh đào Suez

Giá dầu quay lại quỹ đạo giảm do lo ngại nhu cầu yếu - Ảnh 1.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, gọi là OPEC , ngày 1/4 sẽ họp bàn về kế hoạch sản xuất trong tháng 5. Thị trường dự kiến OPEC sẽ tiếp tục giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng như hiện tại trong tháng 5 tới. Trong thời gian qua, OPEC đã quyết định duy trì mức giảm sản lượng của OPEC để giữ cho giá dầu vững ở mức hiện tại, trong bối cảnh luôn thường trực nỗi lo về Covid-19 làm giảm nhu cầu dầu.

Tồn trữ dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, bổ sung vào nguồn cung dầu thô thế giới.

Thị trường dầu cũng chịu thêm nhiều áp lực do các nhà sản xuất gặp khó khăn khi bán hàng sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Các nguồn tin trong ngành cho biết ở mức giá hiện tại, các khách hàng Châu Á giãn tiến độ mua vào và chuyển sang sử dụng dầu dự trữ trong kho, trong bối cảnh nhu cầu dầu cũng yếu vì đang mùa bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu.

Những nước nhập khẩu dầu và sản phẩm dầu qua kênh đào Suez

Giá dầu quay lại quỹ đạo giảm do lo ngại nhu cầu yếu - Ảnh 2.

Trong báo cáo tháng 3/2021, OPEC vẫn thận trọng khi dự đoán về triển vọng nhu cầu dầu, bởi nhu cầu dầu thô thế giới năm 2020 đã giảm 9,6 triệu thùng/ngày so với năm 2019 xuống mức trung bình 90,4 triệu thùng/ngày.

Về triển vọng năm 2021, tổ chức này dự báo nhu cầu toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt 96,3 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm nay và dự kiến tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2021.

Theo báo cáo này, nhu cầu dầu của 37 quốc gia OECD đã được điều chỉnh tăng khoảng 0,03 triệu thùng/ngày hàng năm từ 2,6 triệu thùng/ngày lên 44,6 triệu thùng/ngày vào năm 2021. Đối với nhu cầu dầu của các nước ngoài OECD, con số này đã được điều chỉnh tăng thêm 0,10 triệu thùng/ngày để đạt 51,6 triệu thùng/ngày vào năm 2021.

Tuy nhiên, dự báo của OPEC được công bố vào giữa tháng 3, trước thời điểm dịch Covid-19 nóng lên như hiện nay. Khi đó, hầu hết các chuyên gia đều vẫn tin tưởng nhiều vào sự gia tăng nhu cầu toàn cầu dựa trên sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế thế giới nhờ tác động tích cực của các chiến dịch tiêm chủng chống lại Covid-19.

Tham khảo: Reuters


Vũ Ngọc Diệp
Ý kiến của bạn