Giá dầu tăng 45% nhưng không phải doanh nghiệp dầu khí nào cũng được hưởng lợi: BSR, PV OIL chuyển từ lỗ sang lãi lớn trong khi PVD, PVS sụt giảm mạnh
Mặc dù giá dầu tăng cao, nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam đều được hưởng lợi. Trong đó, đối với các công ty thượng nguồn, chỉ số kinh doanh nửa đầu năm không mấy khả quan do ảnh hưởng từ Covid-19 và các dự án dầu khí trong nước đình trệ.
Giá dầu liên tục gia tăng từ đầu năm trước thỏa thuận cắt giảm của OPEC và sự hồi phục về nhu cầu dầu của thế giới. Điều này sớm phản ánh vào thị giá nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường, dù vậy không phải tất cả doanh nghiệp đều hưởng lợi.
Chi tiết, về giá dầu, xét đến nguồn cung, thỏa thuận cắt giảm là động lực kiềm hãm nguồn cung dầu trên thế giới nửa đầu năm. Sau 6 tháng năm 2021, OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC , đã áp dụng biện pháp cắt giảm nhưng điều chỉnh từ 7,2 triệu thùng/ngày xuống 5,8 triệu thùng/ngày. Trong đó, Ả Rập Xê-út vẫn là nước đóng góp lớn nhất cho thỏa thuận với mức giảm từ 2 triệu thùng/ngày đến 3 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 2/2021 đến tháng 6/2021.
Mặt khác, từ cuối năm 2020 đến quý 1/2021, nhu cầu dầu của khu vực Châu Á/Thái Bình Dương tăng cao nhất nhờ các biện pháp kiểm soát Covid-19. Tuy nhiên, sự bùng phát từ đầu quý 2/2021 đã ảnh hưởng đến nhu cầu dầu ở khu vực này; ngược lại các chiến dịch tiêm chủng thúc đẩy tiêu thụ dầu ở khu vực châu Mỹ và châu Âu.
Nhìn chung, nhu cầu dầu thế giới đang phục hồi từ mức đáy 82,9 triệu thùng/ngày kể từ quý 2/2020, dẫn đầu là Châu Mỹ và Châu Á/Thái Bình Dương. Tính đến cuối quý 2, nhu cầu dầu thế giới đạt 96,8 triệu thùng/ngày, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi trong nhu cầu phụ thuộc vào việc kiểm soát đại dịch nhằm đưa kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại.
Cầu vượt cung, giá dầu Brent đã tăng ấn tượng từ mức 51,8 USD/thùng lên 75,1 USD/thùng, tương đương mức tăng 45%. Bên cạnh đó, đà tăng mạnh mẽ của dầu còn được hỗ trợ từ hoạt động ít sôi nổi của dầu đá phiến ở Mỹ.
Nhu cầu dầu thế giới (triệu thùng/ngày)
Chênh lệch cung - cầu (cột trái) và giá dầu Brent (cột phải)
Mặc dù giá dầu tăng cao, nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam đều được hưởng lợi, báo cáo mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh. Trong đó, đối với các công ty thượng nguồn, chỉ số kinh doanh nửa đầu năm không mấy khả quan do ảnh hưởng từ Covid-19 và các dự án dầu khí trong nước đình trệ.
Đơn cử PV Drilling (PVD): hoạt động thượng nguồn, cụ thể là khai thác dầu khí và đảm nhiệm hầu hết các dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của PVN, đồng thời tham gia hoạt động trên trường quốc tế, nửa đầu năm doanh thu thuần Công ty vẫn giảm 47% xuống còn 1.662 tỷ đồng. Doanh thu giảm mạnh, trong khi phải trích lập dự phòng lớn khiến PVD lỗ ròng đến 95 tỷ đồng.
Tương tự, Kỹ thuật Dầu khí (PVS) cũng ghi nhận doanh thu nửa đầu năm đạt 5.677 tỷ đồng - giảm 35% so với cùng kỳ, LNST đạt 347 tỷ đồng, giảm gần 16% so với nửa đầu năm ngoái. Được biết, so với PVD trong nhóm thượng nguồn, PVS sẽ ít chịu ảnh hưởng của giá dầu vì lĩnh vực hoạt động đa dạng (tàu, cảng, kho nổi, cơ khí dầu khí…).
Dù kinh doanh giảm sút, sự lạc quan về giá dầu do chênh lệch cung – cầu cũng đã sớm hấp thụ đưa thị giá PVD và PVS tăng điểm đáng kể.
Ở diễn biến ngược lại, các công ty trung nguồn và hạ nguồn ghi nhận lợi nhuận tích cực nhờ xu hướng tăng bền vững của giá dầu, giúp giá bán hơn hoặc cải thiện biên lợi nhuận gộp. Trong đó, PV GAS (GAS) khép lại 6 tháng đầu năm với doanh thu 40.272 tỷ và lợi nhuận sau thuế 4.359 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,2% và 4,1% so với cùng kỳ.
Được biết, GAS hoạt động ở trung nguồn, chuyên thu gom khí tại các mỏ và phân phối lại cho các doanh nghiệp khác trên thị trường. Riêng quý 2, giá dầu tăng mạnh thúc đẩy doanh thu GAS tăng đến 45%, lợi nhuận gộp tăng 57,5% so với quý 2/2020.
Cùng phân khúc, PVTrans (PVT) cũng thu về 256,5 tỷ LNST trong quý 2, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Theo Công ty, lợi nhuận tăng do trong kỳ giá cước vận tải có chiều hướng biến động tốt, đơn vị có bổ sung thêm lợi nhuận từ các tàu đầu tư mới, tiếp tục đẩy mạnh công tác tiết kiệm chi phí và phát sinh thu nhập từ việc thanh lý tài sản.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, PVT đạt doanh thu thuần hơn 3.581 tỷ đồng, tăng 5,5%; LNST thu về 439 tỷ đồng, tăng mạnh 39% so với nửa đầu năm ngoái (lợi nhuận tăng mạnh một phần nhờ ghi nhận lợi nhuận từ chuyển nhượng, thanh lý).
Cuối cùng, là đơn vị chuyên tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể khi giá dầu tăng. Cần nhấn mạnh, với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BSR đạt 48.908 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 54% và lợi nhuận sau thuế đạt 3.580 tỷ đồng, cải thiện mạnh với mức lỗ 4.236 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch năm 2021, BSR đã đạt 53% kế hoạch sản lượng, đạt 70% về doanh thu và cao gấp hơn 4 lần kế hoạch lợi nhuận.
Hoạt động nhóm hạ nguồn còn có PV OIL (OIL), quý 2/2021 Công ty đạt 13.421 tỷ đồng doanh thu thuần - tăng 15% so với cùng kỳ. Hoạt động liên doanh liên kết ghi lãi 33 tỷ đồng, khấu trừ OIL lãi sau thuế gần 272 tỷ đồng, tăng 45%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, OIL đạt 25.188 tỷ đồng doanh thu thuần - giảm 14%; ngược lại có lãi ròng 359 tỷ – trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ đến 241 tỷ đồng.
Theo giải trình, nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới trong đó giá dầu Brent bình quân quý 2/2021 tăng 133% so với cùng kỳ từ 29,56 USD/thùng lên 68,97 USD/thùng.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.