Giá dầu 'tăng nóng' gây áp lực cho kiểm soát lạm phát
Tổng cục Thống kê nhận định, nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Việt Nam sẽ vẫn tăng cao trong thời gian tới và giá của mặt hàng này sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, gây áp lực tăng lạm phát thời gian tới.
Nhận định này được đưa ra khi giá dầu trên thế giới vừa mới lập đỉnh và giữa lúc chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam đang có chiều hướng tăng. Riêng tháng 2/2021, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 1,52% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất trong 8 năm gần đây.
Tất nhiên, CPI tháng 2/2021 đạt mức tăng lớn do nhiều yếu tố như giá gạo, thịt lợn, giá điện... nhưng xăng dầu vẫn là mặt hàng chiến lược, chiếm tỷ trọng khoảng 4% trong rổ CPI, góp phần làm tăng/giảm đáng kể chỉ số CPI khi có biến động.
Sau nhiều năm xuất khẩu liên tục, từ năm 2018 đến nay, sản lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam đang có chiều hướng giảm mạnh trong khi sản lượng nhập khẩu đang tăng gấp nhiều lần. Tổng cục Thống kê cho rằng, trong thời gian tới nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Việt Nam sẽ vẫn tăng cao để chế biến và sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng trong nước, khiến chỉ số CPI tăng, tạo áp lực tăng lạm phát.
Các chuyên gia của HSBC cũng bày tỏ lo ngại lạm phát sẽ có áp lực tăng từ giá vận tải cao hơn khi giá dầu thô được dự báo có thể tăng tới 34% trong năm nay.
Báo cáo chuyên đề “Lạm phát sẽ đi về đâu?” mới đây của Ngân hàng HSBC cho rằng, trong những năm gần đây, mối tương quan giữa chi phí vận tải trong nước và giá dầu quốc tế ngày càng rõ rệt, điển hình là độ trễ khoảng một tháng. Vì vậy, HSBC dự báo sẽ có một số áp lực tăng lạm phát do giá vận tải cao hơn.
Tuy nhiên, bình luận về tác động của xu thế tăng giá xăng dầu hiện nay với lạm phát, PGS.TS Ngô Trí Long chia sẻ trên báo Đầu Tư: Xăng dầu là một trong những mặt hàng đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh, có tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến CPI. Bên cạnh xăng dầu, còn nhiều yếu tố khác tạo nên xu thế của lạm phát. Do đó, giá xăng dầu không hẳn quyết định lạm phát nhưng đây là yếu tố có tính cảnh báo.
“Nếu giá xăng dầu tăng cao mà Chính phủ ứng phó kịp thời, hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, điều hành cung cầu hàng hóa hợp lý, quản lý thị trường chặt chẽ thì vẫn có thể kiểm soát lạm phát trong ngưỡng mục tiêu đã đặt ra”, ông Long nhấn mạnh.
Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, mặc dù CPI trong các tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 2 tăng khá cao so với tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, CPI vẫn đạt mức thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Đây là dâu hiệu tích cực cho thấy lạm phát vẫn đang được kiểm soát, mục tiêu CPI bình quân năm 2021 tăng khoảng 4% do Quốc hội đề ra hoàn toàn có thể đạt được.
Hoàng Mai (tổng hợp)Báo cáo của Brand Finance chỉ ra, Việt Nam đang đạt kỳ tích mới khi trở thành quốc gia thuộc nhóm có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới.