Giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, không phải là khoản phí theo quy định tại Luật Phí và lệ phí

Kinh doanh
10:48 AM 06/05/2024

Theo Bộ Tài chính, các khoản phí trong vé máy bay là giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Liên quan đến việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian vừa qua, có dư luận cho rằng một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao quá mức là do mức thu thuế, phí hiện nay không hề nhỏ. Theo thống kê, các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Theo đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), các khoản phí nêu trên là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải; không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, không phải là khoản phí theo quy định tại Luật Phí và lệ phí- Ảnh 1.

Bộ Tài chính lý giải tình trạng giá vé máy bay tăng cao. Ảnh: Internet

Dịch vụ chuyên ngành hàng không là dịch vụ liên quan trực tiếp đến khai thác tàu bay, vận chuyển hàng không và hoạt động bay. Đây cũng là các dịch vụ cung cấp tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay nhưng không thuộc dịch vụ hàng không.

"Các khoản này không phải là phí thuộc ngân sách nhà nước theo Luật Phí và lệ phí", đại diện Bộ Tài chính nói.

Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, đối với chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay với mức phí 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.

Thông tin thêm về nội dung này, đại diện Cục Quản lý giá cho biết: Tại khoản 2 Điều 9 Luật số 66/2006/QH11 về Hàng không dân dụng (HKDD) và khoản 3 Điều 1 Luật HKDD Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014 quy định: (1) Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước (QLNN) về HKDD; (2) Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.

Theo đó, theo thẩm quyền, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam. Đồng thời, Bộ GTVT (Cục HKDD Việt Nam) tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa do Bộ GTVT định giá tối đa…

Đối với giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không: theo thẩm quyền, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 (có hiệu lực từ ngày 01/03/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT ngày 03/5/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa,…

Như vậy, Bộ Tài chính khẳng định việc quản lý Nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.

Hôm 3/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, kê khai, niêm yết giá, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng, tuyệt đối không để tăng giá vé trái quy định.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.