Giá điện: Cần tìm ra giải pháp đem lại lợi ích cao nhất cho số đông
Loay hoay mãi vẫn không tìm ra được phương án tính giá điện là vì “đẽo cày giữa đường”. Nghe quá nhiều ý kiến nhưng không dám quyết định phương án nào được cho là phù hợp nhất.
Tăng giá điện trên cơ sở giảm thiểu tối đa chi phí và lợi nhuận
Sẽ không có phương án giá điện nào thỏa mãn 100% người dân. Bởi vì mỗi người mỗi ý kiến, mỗi cách tính toán khác nhau, tiêu thụ điện khác nhau. Cho nên, việc của nhà quản lý là tìm ra giải pháp đem lại lợi ích cao nhất cho số đông.
Chiều 18/8, báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công Thương về dự thảo phương án tính giá điện, Cục Điều tiết Điện lực kiến nghị cho rút các phương án giá điện 2A và 2B, đồng thời, tiếp tục xin ý kiến về phương án 1 cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân.
Mục tiêu tăng giá điện của Chính phủ lần này là đưa giá điện tiệm cận dần với giá thị trường, giúp ngành điện huy động đủ vốn cho nhu cầu đầu tư các công trình điện mới, góp phần kiềm chế lạm phát, giúp các doanh nghiệp trụ vững được trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, khuyến khích các hộ tiêu thụ điện đổi mới công nghệ, sử dụng điện tiết kiệm.
Có một nguyên tắc để đưa ra quyết định không sai, đó là phương án giá điện xuất phát từ các số liệu khách quan, phân tích khoa học, lấy quyền lợi của đa số người dân làm mục đích, thì không có gì mà khó khăn.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, nhóm 18,7 triệu khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng chiếm 73,4% tổng các khách hàng sinh hoạt do chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức. Vậy thì chia theo bậc thang để tính giá điện sẽ có lợi cho nhóm này.
Điện cũng là loại hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng, cho nên, tính giá bậc thang cũng là cách để vận động người dân tiết kiệm điện. Người tiêu dùng tiết kiệm điện không chỉ có lợi cho họ, mà tiết kiệm điện là chiến lược an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường của quốc gia.
Chia theo bậc thang, công khai minh bạch, hộ nào tiêu dùng càng tiết kiệm thì lọt vào bậc giá rẻ nhất, còn ai xài nhiều hơn đương nhiên chấp nhận chi phí tiền điện cao hơn. Đó cũng là xác lập sự công bằng, tuy có tính tương đối, nhưng đây là phương án hợp lý nhất.
Chống lợi dụng tăng giá tạo hiệu ứng dây chuyền
Một trong những vấn đề lo ngại nhất của người tiêu dùng không phải ở giá điện tăng lên mà là hiệu ứng dây chuyền của việc tăng giá điện. Hiện nay đã có nhiều mặt hàng đang rục rịch tăng giá, trong đó không loại trừ những doanh nghiệp “té nước theo mưa”, lợi dụng để tăng giá vượt quá mức tăng chi phí do ảnh hưởng của tăng giá điện.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát những biến động do ảnh hưởng của tăng giá ở cả 2 khu vực sản xuất và tiêu dùng. Nếu có những ảnh hưởng lớn sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp điều chỉnh; Công tác quản lý thị trường sẽ được đẩy mạnh để hạn chế tiêu cực, tránh tình trạng các đơn vị lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng đề án điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó có than, điện, xăng dầu nhằm đảm bảo giá hợp lý. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề điều chỉnh giá, tránh những hiệu ứng tăng giá về tâm lý.
Công bằng từ cái tâm của nhà quản lý trước, sau đó mới đến doanh nghiệp. Khoa học cũng từ cái tài của nhà quản lý trước, sau đó mới thuyết phục được doanh nghiệp và người dân.
Việc tiếp tục xin ý kiến về phương án 1 cải tiến giá điện bậc thang là hướng có thể được ủng hộ, nhưng đòi hỏi cơ quan quản lý phải điều chỉnh các bậc thang cho phù hợp.
Rõ ràng, Bộ Công Thương đã rất cầu thị, lắng nghe và đang cố gắng tìm ra giải pháp tốt nhất để đảm bảo lợi ích cao nhất cho số đông về giá điện, đồng thời đảm bảo về an ninh năng lượng cũng như nguồn thu về ngân sách.
Trang NguyễnViệt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 6,6% trong năm 2025, nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất châu Á.