Giá điện tăng tạo ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp trong nước

Kinh doanh
08:37 AM 16/05/2025

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc điều chỉnh tăng giá điện được cho là yếu tố làm gia tăng áp lực chi phí, khiến nhiều doanh nghiệp càng thêm khó khăn trong nỗ lực duy trì sản xuất và phục hồi sau suy giảm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng thêm 4,8% từ ngày 10/5. Từ năm 2023 đến nay, EVN đã 4 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng hơn 17%. Giá điện tăng đang tạo ra những áp lực đáng kể đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tình hình thương mại thế giới còn nhiều bất định.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long cho hay, việc tăng giá điện diễn ra trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động và ảnh hưởng của thiên tai vừa qua sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất.

Ông Thắng cho biết, công ty của ông sử dụng điện để vận hành máy móc xử lý chất thải và đang chịu áp lực lớn khi giá điện liên tục tăng trong khi giá dịch vụ xử lý rác lại không thay đổi, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. “Việc tăng giá điện sẽ trực tiếp làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đối với các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện, tác động này càng trở nên rõ rệt”, ông phân tích.

Giá điện tăng tạo ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp trong nước- Ảnh 1.

Việc giá điện tăng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phát sinh thêm hàng loạt chi phí. Ảnh: Internet

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May 10 - bày tỏ quan điểm: Việc tăng giá điện là có thể hiểu được vì xã hội, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ khó khăn với ngành điện. Tuy nhiên, mọi điều chỉnh cần phải được tính toán kỹ lưỡng về tác động đến cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, các bộ ngành, EVN cần có sự tính toán dài hơi.

"Nếu cứ 3 tháng tăng giá điện một lần sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, vì sẽ không thể chủ động tính toán giá thành cho một sản phẩm. Trong khi đó, việc đàm phán giá với đối tác thì cần sự ổn định và chủ động. Doanh nghiệp cũng không thể nâng giá sản phẩm cao lên để đề phòng giá điện tăng sau 3 tháng. Vì như thế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa”, ông Giang nói.

Theo ông Vũ Đức Giang, tính cả lần tăng này thì từ 2023 đến nay, giá điện đã tăng tổng cộng 17%. Với ngành dệt, nhuộm, chi phí đầu vào của điện chiếm 9-12% giá thành sản phẩm. Còn với ngành may, điện chiếm hơn 1,8%. Vì thế, việc tăng giá điện sẽ góp phần tăng giá thành hàng hóa, trong khi hàng Việt Nam vốn đã yếu thế so với các nước khác về công nghệ và nguồn nhân lực.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết nếu mức giá hiện tại chưa đủ để đảm bảo nguồn lực tái đầu tư cho ngành điện. Đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo, nguồn điện than nhập khẩu hay nguồn điện nhập có giá không rẻ. Tuy nhiên, điều chỉnh giá điện phải có lộ trình hợp lý, tránh tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - cho rằng, việc giá điện tăng sẽ không chỉ tác động trực tiếp mà còn tác động gián tiếp thông qua tăng giá các mặt hàng, với khả năng CPI tác động lan toả có thể lên tới 0,34%, do đó rất cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan liên quan.

“Tăng giá điện cần đi kèm với một lộ trình minh bạch, cải cách sâu về thị trường điện cạnh tranh, và cơ chế kiểm soát hiệu quả tài chính của EVN. Nếu không, người dân và doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục gánh chi phí mà chưa thấy cam kết rõ ràng từ bên cung cấp”, ông Thỏa nói.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn