Giá đường "bám trụ" mức cao nhất trong 12 năm
Giá đường trong nước đã tăng cao kỷ lục với giá gần 30.000 đồng/kg, đây là mức tăng cao nhất 12 năm qua.
Số liệu từ Trading Economics cho biết, hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10 niêm yết trên Sở ICE đã tăng lên mức hơn 597 USD/tấn. Giá đường thế giới tăng cao kỳ lục đã kéo theo giá đường trong nước tăng tương ứng. Giá đường trong nước tăng cao dao động ở mức 21.000 - 28.000 đồng/1kg. Theo đó, giá đường hiện tăng hơn 10% so với đầu năm và 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VASS) cho biết, vào đầu tháng 8/2023, giá đường trong nước đã đạt từ 20.000 - 21.500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối tháng 8/2023, nhiều doanh nghiệp đã nâng giá bán đường lên thêm 4.000-5.000 đồng/kg, đạt ngưỡng 25.000 đồng/kg, thậm chí có công ty công bố giá đường kính trắng là 26.000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27.000 đồng/kg.
Tại nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Khâm Thiên, chợ Láng, chợ Nghĩa Tân, chợ Phùng Khoang... giá đường cát trắng Biên Hòa bán lẻ đang ở mức 28.000 đồng/kg, đường kính trắng Lam Sơn ở mức 25.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Mía Đường quốc tế cho biết, năm 2022 thế giới dư thừa tới 500.000 tấn đường, nhưng năm nay sẽ thâm hụt tận 2,2 triệu tấn, do đó tác động mạnh đến giá đường.
Giá đường tăng cao đã giúp giá mía ở thị trường nội địa cũng tăng tương ứng. Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông tin, niên vụ 2022-2023, giá mía trên cả nước đang đạt kỷ lục ở mức từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn tại ruộng. Theo dự báo, giá mía vào vụ ép 2023-2024 sẽ tăng thêm. Với mức giá này, người trồng mía có lãi 30-40 triệu đồng/ha, giúp nông dân yên tâm bám cây mía, mở rộng diện tích trồng mía.
Ngành mía đường trong nước đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức lớn, khi sản lượng các niên vụ gần đây liên tục giảm, thậm chí tới gần 40% so với cách đây 20 năm. Nguồn cung giảm, nhu cầu tăng dẫn đến giá mặt hàng này liên tục tăng cao, chạm mốc "chưa từng có" trong lịch sử.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường, các doanh nghiệp được khuyến cáo cần giảm chi phí sản xuất thông qua việc ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu, nghiên cứu ra nhiều giống mía cho năng suất vượt trội và xây dựng các chuỗi liên kết bền vững.
Đồng thời, để bảo vệ ngành mía đường trong nước, Bộ Công Thương đã quyết định tiếp tục áp thuế phòng vệ thương mại đến năm 2026, giúp các nhà máy đường trong nước có cơ hội cạnh tranh tốt hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số công ty Thái Lan, với mức thuế chống bán phá giá thấp nhất là 25,73% và cao nhất là 32,75%, còn mức thuế chống trợ cấp thấp nhất là 0% và cao nhất là 4,65%. Bộ Công Thương cho biết, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
Trước thực trạng giá đường tăng cao, mới đây, ngành thực phẩm có công văn gửi Bộ Công Thương kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn, do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời đề xuất hàng năm Bộ Công Thương thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan vào tháng 9, với lượng tối thiểu theo cam kết WTO là 119.000 tấn.
Minh An (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.