Giá đường lên cao nhất 4 năm, dự kiến tiếp tục tăng trong vài tháng tới

Thị trường
07:48 PM 04/09/2021

Hạn hán kết hợp sương giá đã phá hoại cây mía tại Brazil, khiến sản lượng đường tại quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng lớn.

Giá đường tăng lên mức cao nhất 4 năm sau khi sương giá ở Brazil làm ảnh hưởng đến vùng trồng mía tại quốc gia này. Các quỹ đầu cơ cũng tiếp thêm động lực cho màn tăng giá này.

Giá đường thô kỳ hạn đã tăng 10% trong tháng qua, giao dịch ở mức 20 cent/pound tại New York. Đây là lần đầu tiên giá đường tăng lên mức cao như vậy kể từ năm 2017 và đã tăng 60% trong năm qua.

Sương giá nghiêm trọng đã tấn công các khu vực như Parana, Sao Paulo và Minas Gerais vào tháng 6 và 7. Cái lạnh bất thường làm cây mía bị hư hại, còi cọc và giảm lượng đường. Điều này buộc nông dân trồng mía phải thay đổi thời gian thu hoạch, giảm bớt 1 vụ thu hoạch, vốn đã suy kiệt do hạn hán kéo dài.

Đường là một trong số những thị trường hàng hoá biến động mạnh trong thời gian qua do ảnh hưởng của thời tiết, bên cạnh cà phê, lúa mì, đậu nành.

Giá đường lên cao nhất 4 năm, dự kiến tiếp tục tăng trong vài tháng tới - Ảnh 1.

Các nhà giao dịch ước tính sản lượng đường của khu vực Trung-Nam Brazil sẽ dao động trong khoảng 29-33 triệu tấn, giảm so với mức 38,5 triệu tấn của năm ngoái.

Tổ chức Đường quốc tế (ISO) cho biết sản lượng đường toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 4 triệu tấn, năm thứ 2 liên tiếp bị thâm hụt. Dự báo lượng đường dự trữ sẽ giảm từ 98,3 triệu tấn trong tháng 9 năm nay xuống còn 95,3 triệu tấn vào tháng 9 năm sau.

Tuy nhiên, các nhà giao dịch cho biết sẽ khó xảy ra tình trạng thiếu đường. Thay vào đó, việc giá đường tăng cao có thể thúc đẩy tiêu thụ đường Ấn Độ trên toàn cầu. Ấn Độ là quốc gia sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil.

Michaela Helbung-Kuhl, nhà phân tích tại Commerzbank cho biết: "thế giới thực sự cần đường Ấn Độ". Bà dự báo các nhà máy và nông dân Ấn Độ sẽ xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn trong năm nay. Những hạn chế về vận chuyển đã làm tăng thêm thách thức đối với các nhà máy tinh luyện và người mua đường. Giá đặt chỗ trên các tàu dùng để vận chuyển đường thô tới các nhà máy tinh luyện đã tăng cao, mặc dù không bằng giá tàu container vận chuyển các mặt hàng như cà phê.

Trên các tuyến đường trọng điểm như Brazil đến Trung Quốc, giá cước vận chuyển đã tăng gần gấp đôi trong năm qua. Các thương nhân buộc phải tìm cách chuyển chi phí vận chuyển tăng cao này cho khách hàng.

Các quỹ đầu cơ cũng đặt cược vào việc giá đường còn tiếp tục tăng, khiến đà đi lên của giá đường chưa dừng lại.

Theo các nhà phân tích, giá đường có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong vài tháng. Do đó, nhiều khả năng người dùng sẽ thấy giá cao hơn trên các kệ hàng siêu thị trong thời gian tới. Karim Salamon, trưởng bộ phận phân tích của Wilmar International, một nhà kinh doanh đường lớn, cho biết thời tiết kém tại Brazil cũng sẽ làm giảm sản lượng trong mùa vụ tới.

"Đó là sự kết hợp hoàn hảo để phá huỷ cây mía", ông Salamin nói về tình trạng hạn hán và sương giá kết hợp tại Brazil.

Đức Nam
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.