Giá đường tăng lên mức cao nhất trong gần 13 năm qua
Giá đường toàn cầu tháng 9 tăng lên mức cao nhất trong gần 13 năm qua, sau khi sản lượng ở Ấn Độ và Thái Lan sụt giảm do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã đưa ra con số này trong báo cáo công bố ngày 6/10.
FAO nêu rõ chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 9 vừa qua giữ ở mức ổn định, trong khi chỉ số giá đường mà FAO theo dõi trên thị trường toàn cầu tăng 9,8% so với tháng 8, lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2010. Chỉ số giá đường mà FAO theo dõi đã tăng 2 tháng liên tiếp trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại về nguồn cung đường cho thị trường toàn cầu eo hẹp hơn trong niên vụ 2023-2024.
Tại thị trường trong nước, do ảnh hưởng từ giá đường thế giới, hiện nay giá đường tiêu dùng trong nước lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg. Đường phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh lên 22.000 - 23.000 đồng/kg.
Theo dự báo, năm nay thế giới sẽ thâm hụt khoảng 2,2 triệu tấn đường do nhiều quốc gia thực hiện chính sách kiểm soát thị trường lương thực. Trước quyết định cấm xuất khẩu đường của các cường quốc mía đường hàng đầu thế giới, nhằm bảo vệ người tiêu dùng nội địa và bình ổn giá trong nước, nguồn cung toàn cầu cũng ghi nhận suy giảm đáng kể.
Theo đánh giá của FAO, tình trạng này chủ yếu phản ánh những dự báo về sự sụt giảm sản lượng tại Thái Lan và Ấn Độ - những nước sản xuất đường chủ chốt - do các điều kiện thời tiết khô hạn bất thường liên quan hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. Ngoài ra, FAO cho rằng giá dầu thô tăng trên thị trường toàn cầu cũng góp phần đẩy giá đường lên cao.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, với dân số đạt mốc 100 triệu người, mức tiêu thụ đường của Việt Nam sẽ vào khoảng 2,2 - 2,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, theo Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam, sản lượng đường trong nước như năm ngoái chỉ đạt 935.000 tấn. Điều này có nghĩa ngành mía đường mới chỉ đáp ứng được 43% nhu cầu tiêu thụ.
Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước những lo ngại về lạm phát, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như mùa vụ, cung - cầu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, việc phản ứng kịp thời, nhanh chóng để đảm bảo nguồn cung đường cho tiêu dùng và sản xuất, góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị kinh tế... là vấn đề cấp thiết. Giải pháp để bù đắp tình trạng thiếu hụt đường, cũng như duy trì diện tích mía hiện có đang được các bên đặt ra.
Theo khảo sát mới nhất của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn từ 40 doanh nghiệp chế biến thực phẩm dùng đường lớn nhất Việt Nam, năm nay nhu cầu đường của các doanh nghiệp này sẽ tăng lên khoảng 60.000 tấn so với năm ngoái. Trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp để tăng tính chủ động về nguồn cung.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.