Giá gạo Việt xuất khẩu tăng vọt, gần 500 USD/tấn
Do nhu cầu từ các thị trường tăng cao, gạo là một trong những mặt hàng nông sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.
Theo báo cáo thị trường nông sản tháng 11/2020 của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11/2020 ước đạt 388 nghìn tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2020 đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2020 đạt 493,3 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính trong 10 tháng đầu năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 32,9% thị phần, đạt 1,86 triệu tấn và 868,66 triệu USD, giảm 4,3% về khối lượng nhưng tăng 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Indonesia tăng gấp 3,1 lần, đạt 83,8 nghìn tấn và 45,6 triệu USD và Trung Quốc tăng 79,2%, đạt 657,6 nghìn tấn và 379,6 triệu USD.
Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất trong 10 tháng đầu năm 2020 là Iraq (giảm 65,6%) đạt 90 nghìn tấnvà 47,6 triệu USD.
Về chủng loại xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 40,3% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,7%; gạo nếp chiếm 17,6%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 54,5%), Malaysia (chiếm 13,4%) và Cuba (chiếm 8,8%).
Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm 26,4%), Ghana (chiếm 21,2%) và Bờ Biển Ngà (chiếm 14,8%).
Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 72,4%), Indonesia (chiếm 8,0%), và Philippines (chiếm 7,0%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Kiribati (chiếm 17,5%), Đảo quốc Solomon (chiếm 15,7%), và Trung Quốc (chiếm 6,9%).
Đáng chú ý, trong gần một tháng qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ từ mức khoảng 495 USD/tấn vào đầu tháng lên khoảng 498 USD/tấn vào gần cuối tháng.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan có xu hướng tăng mạnh từ 466 USD/tấn vào đầu tháng lên 480 USD/tấn vào gần cuối tháng.
Nguyên nhân chính là do nguồn cung từ vụ mới chậm đưa ra thị trường khiến tình trạng khan hiếm làm giảm giá xảy ra.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 là một trong những xung lực mới cho tăng trưởng.
Theo đó, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.
Bộ NN&PTNT đánh giá, Hiệp định EVFTA là "chìa khóa" để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD.
Bộ NN&PTTN nhận định, xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự kiến, tháng 12/2020 và thời gian tới giá gạo sẽ bình ổn trở lại, do nguồn cung từ vụ Thu – Đông đang vơi dần và cung từ lúa Đông Xuân sẽ bắt đầu từ 1 – 2 tháng tới.
Với xuất khẩu, Bộ NN&PTNT dự báo sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 - 13,5 triệu tấn thóc).
Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.