Giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam tăng thêm 22 USD

Kinh doanh
11:20 AM 15/04/2022

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 100% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang rất được kỳ vọng và đã được điều chỉnh tăng nhiều đợt trong hai tuần qua.

Ngày 14/4/2022, giá gạo 100% tấm được xuất khẩu với giá 360 USD/tấn, tăng thêm 5 USD/tấn so với 2 ngày trước đó. Với mức điều chỉnh này, giá gạo 100% tấm của Việt Nam đã tăng thêm 22 USD tính từ đầu tháng 4 đến nay. Hiện tại, khoảng cách chênh lệch giữa gạo 100% tấm của Việt Nam so với gạo cùng loại của Thái Lan đã được rút ngắn, gạo 100% tấm của Việt Nam chỉ thấp hơn gạo Thái Lan 44 USD/tấn.

So với gạo 100% tấm của Ấn Độ và Pakistan, gạo của Việt Nam cao hơn gạo Ấn Độ 37 USD, cao hơn gạo Pakistan 15 USD/tấn, trong khi trước đây gạo 100% tấm của Pakistan thường xuyên chào bán cao hơn  giá gạo của Việt Nam.

Giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam tăng trưởng tích cực - Ảnh 1.

Thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm 2021. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, để tăng mức cạnh tranh, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được điều chỉnh giảm 3 USD/tấn, bán ra ở mức 415 USD/tấn. Hiện tại, loại gạo 5% tấm của Việt Nam có mức giá lạc quan nhất, cao nhất trong 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống (Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan).

Giá gạo 25% tấm của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 395 USD/tấn.

Các chuyên gia cho rằng, giá gạo sẽ còn tiếp tục xu thế tăng, vì tác động giá lương thực thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm 2021. Nguyên nhân là do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng vốn từng bị đứt gãy do đại dịch đang được kết nối lại giúp cho sức mua bán tăng lên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quý I/2022, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt 1,48 triệu tấn với 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) tiếp tục mang lại cho gạo Việt Nam nhiều cơ hội lớn, đặc biệt là các loại gạo chất lượng cao.

Sau 1 năm thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo nói riêng của Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU bởi chất lượng gạo của Việt Nam trong nhiều năm qua đã không ngừng được cải thiện. Các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như ST24, ST25, Jasmine… được người dân khu vực này ưa chuộng.

Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt tại các thị trường truyền thống như Đức, Italy, Ba Lan…

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay, giá gạo Việt Nam trong nhiều năm gần đây luôn đạt giá trị cao và hiện đang cao hơn giá gạo Thái Lan, bởi Việt Nam đã chú trọng đến cơ cấu giống, các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở nhiều thị trường "khó tính". Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.