Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất trong hơn 3 tháng
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tuần qua đã tăng lên mức cao nhất của 3 tháng rưỡi vì nhu cầu ổn định và chi phí vận chuyển leo thang - yếu tố khiến một số thương nhân từ chối ký các hợp đồng mới.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán lên đến 420 USD/tấn, tăng hơn 5 USD so với một tuần trước. Đây là mức cao nhất trong ba tháng rưỡi.
Mặc dù nhu cầu ổn định, nhưng một số thương nhân vẫn đang do dự trong việc ký hợp đồng mới, bởi chi phí vận chuyển tăng cao do căng thẳng địa chính trị thế giới, cũng như chờ đợi việc có thể một vài nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ nới hạn ngạch nhập khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khi đó, Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đã ban hành lệnh hạn chế tạm thời đối với nhập khẩu ngũ cốc từ Việt Nam vào tháng 11/2021, giữa bối cảnh mùa màng trong nước bội thu.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm nhẹ xuống từ 410 - 428 USD/tấn từ mức từ 415 - 428 USD/tấn của tuần trước và cũng là mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2021.
"Đồng Baht đã suy yếu và giá gạo trong nước sẽ giảm trong tuần tới do những nguồn cung bổ sung mới", một thương nhân cho biết.
Các thương nhân cho biết tại Thái Lan, nhu cầu mua gạo chất lượng thấp từ các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn cao, do những công ty này muốn sử dụng nhiều gạo hơn trong hỗn hợp thức ăn chăn nuôi, giữa bối cảnh giá lúa mì và ngô tăng.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng thấp từ nước ngoài hầu như không có, ngoại trừ các hoạt động xuất khẩu sang Iraq.
Còn tại Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, giá gạo 5% tấm được báo ở mức 371 - 378 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước, do nhu cầu đối với nguyên liệu dùng làm thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
"Gạo tấm đang được săn lùng. Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi thay thế ngô bằng gạo 25% tấm và gạo 100% tấm", một nhà xuất khẩu có trụ sở tại thành phố Kakinada ở miền Nam bang Andhra Pradesh (Ấn Độ), cho hay.
Tại nước láng giềng Bangladesh, giá gạo nội địa đã tăng trở lại trong tuần qua bất chấp triển vọng mùa màng tích cực và hoạt động dự trữ được duy trì tốt, các thương nhân cho biết.
Trong một báo cáo gần đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) dự báo giá gạo toàn cầu có thể tăng hơn nữa trong quý II/2022 nếu người tiêu dùng lúa mì ở Ấn Độ - nước sử dụng gạo lớn thứ hai sau Trung Quốc - chuyển sang dùng gạo do giá lúa mì trong nước cao kỷ lục.
HM (T/h)Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.