Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm

Xuất nhập khẩu
10:17 AM 03/11/2023

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức 653 USD/tấn, cao nhất trong vòng 15 năm qua và cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan.

Cụ thể, hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm Việt Nam ở mức 653 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm ở mức 638 USD/tấn, đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, Parkistan tiếp tục xu hướng giảm.

Hiện gạo 5% tấm của Thái Lan xuất khẩu ở mức 560 USD/tấn, giảm 4 USD/tấn so với phiên giao dịch trước đó, gạo 25% tấm có giá 520 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Pakistan ở mức 563 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 488 USD/tấn.

Như vậy, sau điều chỉnh hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 92 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 90 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan tới 118 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan tới 150 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lập đỉnh 15 năm - Ảnh 1.

Ngoài xuất khẩu, giá lúa gạo trong nước tiếp tục lên cao kỷ lục. Trong đó, tại miền Bắc, giá lúa tăng rất mạnh. Cụ thể, Đài Thơm lấy từ các công ty lớn trong nước có giá 21.000 đồng một kg, tăng 1.000 đồng (5%) so với tháng trước và tăng 3.000 đồng (16%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Gạo được các cửa hàng lấy của Tập đoàn Lộc Trời cùng các giống ST21 và 24 từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng 500 đồng một kg so với cách đây một tháng. Với Thơm Lài Long An, giá mỗi kg là 21.000 đồng, Gò Công 22.000 đồng, đồng loạt tăng 1.500 đồng. 

Nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam tăng cao, theo các doanh nghiệp là do chất lượng ngày càng cao và nhu cầu thị trường thế giới lớn.

Có thể thấy, kể từ tháng 10 tới nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục ngược chiều tăng so với các đối thủ. Đặc biệt, việc giá gạo xuất khẩu cũng như nội địa tăng là một tín hiệu đáng mừng cho ngành lúa gạo Việt bởi sau nhiều năm xuất khẩu thì đây là năm đầu tiên gạo Việt có mức giá cao cũng như vị thế làm chủ về giá như hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui tăng giá, theo chia sẻ của các doanh nghiệp xuất khẩu, họ đang gặp khó khăn trong việc thu mua gạo vì giá gạo trong nước đang cao và lượng hàng trong kho không nhiều. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không dám ký hợp đồng mới vì lo sợ giá gạo còn tăng, dẫn đến thua lỗ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn khi các thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam liên tục tăng nhu cầu mua vào. Dựa trên tình hình cung cầu, các doanh nghiệp dự báo trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu có thể giữ ở mức 640 - 650 USD/tấn.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.