Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trở lại, vượt gạo Thái Lan

Thị trường
10:13 AM 13/10/2021

So với hồi tháng 8 năm nay (thời điểm gạo Việt Nam giảm và thấp hơn gạo Thái Lan), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam gần đây biến động tăng mạnh trở lại, vượt qua gạo Thái Lan và cao hơn nhiều so với gạo Ấn Độ và Pakistan.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 433-437 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với mức giá hồi giữa tháng 8/2021.

Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức 384-388 USD/tấn, giảm 21 USD/tấn so với hồi giữa tháng 8. Còn gạo Ấn Độ vẫn giữ ở mức 368-372 USD/tấn; trong khi gạo Pakistan hiện có giá 378-382 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn.

Ở phân khúc gạo 25% tấm, gạo Việt Nam hiện cũng "bỏ xa" các đối thủ. Cụ thể, gạo 25% tấm của Việt Nam ngày 11/10 có giá 403 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan là 373 USD/tấn, gạo Ấn Độ và Pakistan đều ở mức 338 USD/tấn.

Theo đại diện một doanh nghiệp lúa gạo ở ĐBSCL, nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của Việt Nam gần đây tăng là do Chính phủ tăng mua dự trữ quốc gia đã kích thích tăng giá trong nước lẫn xuất khẩu. Cùng với đó, trên thị trường thế giới, nhu cầu nhập khẩu gạo đã tăng trở lại từ đầu tháng 9 đến nay…

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trở lại, vượt gạo Thái Lan - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa Thu Đông 2021 ở ĐBSCL.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 9/2021 đạt hơn 593,6 ngàn tấn, với kim ngạch đạt hơn 293,1 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 20,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt hơn 4,57 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 2,41 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng và giảm 1,2% về giá trị.

Tại thị trường trong nước, giá lúa và gạo đều tăng. Theo VFA, tuần đầu tháng 10, lúa thường tại ruộng có giá bình quân 5.092 đồng/kg, tăng 142 đồng so với tháng 9; lúa thường tại kho 6.288 đồng/kg, tăng 113 đồng. Gạo 5% tấm có giá 9.443 đồng/kg, tăng 200 đồng; gạo 15% tấm ở mức 9.192 đồng/kg, tăng 183 đồng…

Các địa phương vùng ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa Thu Đông 2021. Mặc dù giá lúa chưa được cải thiện nhiều, nhưng trong vụ sản xuất thời tiết thuận lợi, khi thu hoạch các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, việc đi lại, tiêu thụ lúa thuận lợi hơn… nên bà con nông dân vẫn có lợi nhuận dù không cao.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ Thu Đông 2021, vùng ĐBSCL xuống giống 714,6 nghìn ha, đạt 102% kế hoạch và giảm 9,5 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 56,0 tạ/ha (tăng 0,4 tạ/ha) và sản lượng ước đạt hơn 4 triệu tấn (giảm 22 nghìn tấn).

Còn vụ Đông Xuân 2021-2022, theo kế hoạch, vùng ĐBSCL gieo sạ hơn 1,52 triệu ha (tăng 0,4 nghìn ha); năng suất 72,52 tạ/ha (tăng 0,21 tạ/ha) và sản lượng hơn 11 triệu tấn, tăng 35,2 nghìn tấn so cùng kỳ.

Sản xuất lúa của vùng ĐBSCL cả năm 2021 ước diện tích đạt hơn 3,9 triệu ha (giảm 56,2 nghìn ha); năng suất ước đạt 62,2 tạ/ha (tăng 2,1 tạ/ha) và sản lượng ước đạt hơn 24,3 triệu tấn, tăng 510 nghìn tấn so với cùng kỳ 2020.

Anh Sa
Ý kiến của bạn
Cần chính sách đột phá làm điểm tựa cho doanh nghiệp "bay cao" Cần chính sách đột phá làm điểm tựa cho doanh nghiệp "bay cao"

Việt Nam đã xây dựng được những doanh nghiệp (DN) dẫn đầu, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song vẫn cần xây dựng chính sách đột phá để hỗ trợ DN "bay cao" và tạo dựng được nhiều doanh nghiệp dẫn đầu hơn nữa.