Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục neo cao, một mình một hướng nhờ xuất khẩu tốt
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ vững ở mức cao trong khi giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan đều giảm. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp giá gạo Việt Nam trái chiều với hai nước còn lại.
Tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - giảm tuần thứ 7 liên tiếp do nguồn cung tăng lên sau khi Chính phủ giải phóng kho dự trữ để giúp người nghèo vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, gạo đồ 5% tấm giá giảm xuống 370 – 374 USD/tấn so với 371 – 376 USD/tấn trước đó một tuần. Giá gạo nội địa của nước này cũng giảm đáng kể sau khi Chính phủ xuất kho dự trữ.
Ấn Độ đã cung cấp gạo miễn phí cho gần 800 triệu dân sau khi làn sóng Covid-19 thứ 2 tấn công quốc gia này.
Tương tự, giá gạo Thái Lan tuần qua cũng giảm, với loại 5% tấm từ mức 475 - 485 USD/tấn xuống 465 – 473 USD/tấn, thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng do nhu cầu từ khách hàng quốc tế hầu như không có, mặc dù nguồn cung trong nước cũng không nhiều.
Trong bối cảnh đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tuần qua vững ở mức 490 – 495 USD/tấn, sau khi đã tăng trong tuần trước đó, khi nguồn cung lúa vụ cũ không còn nhiều và các thương lái đang chờ thu hoạch vụ mới để mua vào.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khả quan, với lượng xuất khẩu trong tháng 4/2021 đạt 782.159 tấn, tương đương 424,22 triệu USD, tăng trên 45% cả về lượng và kim ngạch so với tháng liền kề, là tháng thứ 2 liên tiếp tăng. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo trong tháng 4 cũng tăng lần lượt 53,3% và 66,8%.
Giá xuất khẩu gạo trong tháng 4/2021 đạt trung bình 542,4 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 3/2021 và tăng 8,8% so với tháng 4/2020, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt 1,97 triệu tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ, do tình trạng thiếu container rỗng những tháng đầu năm. Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng vẫn tăng 8,2%, đạt trên 1,07 tỷ USD, nhờ giá xuất khẩu trung bình trong 4 tháng tăng 15,6% lên 543,4 USD/tấn.
Số liệu về khối lượng và kim ngạch của Tổng cục Hải quan
Với thị phần gần 40%, gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines, đạt 715.717 tấn, tương đương 381,44 triệu USD, giảm 20,7% về lượng và giảm 4,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020; giá gạo xuất khẩu cũng tăng 19,8% so với cùng kỳ, đạt 533 USD/tấn.
Nước láng giềng Trung Quốc giữ vị trí thứ 2 với 369.161 tấn, tương đương 194,12 triệu USD, tăng 35% về lượng và tăng 22,8% về kim ngạch so với cùng kỳ; giá xuất khẩu đạt 525,8 USD/tấn, giảm 9%.
Thị trường Ghana đứng thứ 3, với 209.875 tấn, tương đương 122,67 triệu USD, chiếm 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, tăng mạnh 69% về lượng và tăng 104,5% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo sang đa số các thị trường tăng cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, trong đó đáng chú ý là xuất khẩu sang thị trường Bangladesh mặc dù đứng thứ 6 về kim ngạch, với lượng xuất khẩu đạt 42.875 tấn, tương đương 25,94 triệu USD, nhưng so với 4 tháng năm 2020 thì tăng rất mạnh 29.266% về lượng và tăng 36.161% về kim ngạch (cùng kỳ năm trước chỉ đạt 146 tấn, tương đương 71.530 USD).
Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy, sản lượng sản lượng gạo vụ Hè (vụ Boro) năm nay sẽ tăng lên 20,5 triệu tấn, so với 19,6 triệu tấn cùng vụ năm trước, nhờ diện tích trồng lúa tăng lên, thông tin từ Bộ Nông nghiệp nước này cho biết. Vụ Boro đóng góp hơn 50% sản lượng gạo hàng năm của Bangladesh. Do được mùa vụ này, Bangladesh có thể giảm nhập khẩu gạo trong thời gian tới.
Vân ChiVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.