Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất thế giới

Xuất nhập khẩu
09:22 AM 23/03/2023

Bộ Công Thương cho biết, trong nhiều tháng, giá gạo 5% tấm xuất khẩu luôn ở mức cao nhất thế giới, vượt Thái Lan 15-27 USD và Ấn Độ 40-50 USD một tấn.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo cho cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, đạt giá trị là 3,45 tỉ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so với năm 2021.

Tiếp tục duy trì đà xuất khẩu, kim ngạch trong tháng đầu năm 2023 đạt 359.310 tấn gạo, mang về 186,6 triệu USD. Đáng chú ý, mức giá trung bình tăng với 519,3 USD/tấn. Vì vậy, xuất khẩu dù giảm về lượng song giá tăng 6,8%.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện là 463 USD một tấn (giá FOB, giá xuất tại cảng), tăng hơn 16% so với cùng kỳ 2022. Giá này tương đương gạo Thái Lan và cao hơn Ấn Độ, Pakistan 20-23 USD một tấn.

Tất cả thị trường xuất khẩu gạo đều tăng trưởng. Đặc biệt là thị trường EU tăng vượt bậc với 94.510 tấn gạo, vượt hạn ngạch 80.000 tấn mà EU cấp. Bộ Công Thương đánh giá thực tế này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng tăng và đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính và tận dụng tốt các FTA.

Năm 2023, lượng thóc dành để xuất khẩu khoảng 13,2 triệu tấn, tương đương 6,6 triệu tấn gạo. Theo kế hoạch nửa đầu năm, lượng gạo xuất đi là 4,12 triệu tấn, nhưng tháng 1 chỉ xuất được gần 0,36 triệu tấn. Tức còn hơn 3,76 triệu tấn cần tiêu thụ trong 5 tháng. 

Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu gạo năm nay vẫn thuận lợi, khoảng 6,5-7 triệu tấn, do sự quay trở lại của các thị trường như Indonesia, Bangladesh. Trung Quốc mở cửa lại sau dịch khiến nhu cầu nhập khẩu tăng.

Đối thủ của gạo Việt là Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và thuế 20% với gạo trắng, nên các đối tác sẽ tìm tới thị trường có giá cạnh tranh hơn, trong đó có Việt Nam. Gạo trắng chiếm 45% trong cơ cấu xuất khẩu, còn lại là gạo thơm, gạo nếp, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng. 

Tuy vậy, Bộ Công Thương nhìn nhận nhiều thách thức tiềm ẩn cho xuất khẩu gạo năm nay. Đầu tiên là các thương nhân còn hạn chế trong chiến lược đa dạng hóa thị trường. Thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu thiếu bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines (thị trường nhập lớn nhất, chiếm hơn 45% tổng gạo xuất khẩu của Việt Nam). Gạo xuất khẩu Việt Nam cũng gặp cạnh tranh từ các nguồn cung giá rẻ khác như Ấn Độ, Pakistan. 

Cùng đó, chi phí sản xuất tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào leo thang, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hóa lên cao. Thực tế này gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong khi giá chào xuất khẩu tăng chưa nhiều. Đồng thời, giá cước vận tải quốc tế giảm so với thời điểm 2021 nhưng vẫn ở mức cao, nhất là từ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra. 

Về xu hướng trong thời gian tới, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thương mại gạo toàn cầu giảm 4%. Chủ nghĩa bảo hộ lương thực có xu hướng lan rộng, ảnh hưởng biến đổi khí hậu tác động đến năng suất, diện tích canh tác. Cộng thêm là tác động của lạm phát làm ảnh hưởng tiêu dùng hàng hóa.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ trao đổi để EU bổ sung gạo thơm vào danh mục xuất sang thị trường này; đa dạng và mở rộng thị trường qua các kênh xúc tiến thương mại. Bộ này cũng đề nghị phía ngân hàng linh hoạt, mở thêm hình thức tín chấp, thay vì thế chấp tài sản, với các thương nhân xuất khẩu uy tín để họ có thêm vốn thu mua lúa, gạo chế biến hàng xuất khẩu vào thời điểm chính vụ thu hoạch.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn