Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang ở mức thấp nhất hơn 1 năm qua
Thời gian qua, do dịch COVID-19 kéo dài khiến việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt đã gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, giá gạo xuất khẩu đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 1 năm rưỡi trở lại đây.
Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 385 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 19/8, giảm mạnh 83 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7/2021 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 là 390 USD/tấn.
Không riêng gạo đồ của Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần trước cũng đã giảm xuống mức thấp do cầu thị trường yếu.
Hiện tại gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ở mức 352 - 356 USD, giảm mạnh so với mức 383 USD/tấn hồi đầu tháng 7/2021. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 387- 400 USD/tấn trong tuần, từ 380- 395 USD/tấn một tuần trước đây nhưng vẫn là mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay của nước này.
Theo đó, giá gạo của Việt Nam đang ở mức thấp hơn Thái Lan và tiệm cận với gạo của Ấn Độ, trong khi hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua giá gạo Việt luôn cao hơn gần 100 USD so với gạo Ấn Độ.
Lý giải nguyên nhân khiến giá gạo giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết giá gạo thế giới đang trong xu hướng giảm, chi phí vận chuyển bị đội lên quá cao, trong khi đó dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã làm ảnh hưởng đến việc thu mua, chế biến và vận chuyển thóc, gạo của nhiều doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu lớn. Thị trường thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải/container, tài công ghe/sà lan vận chuyển gạo hàng hóa từ nhà máy chế biến ra cảng.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,6 triệu tấn, trị giá 1,937 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việc xuất khẩu sụt giảm do tác động của dịch bệnh cũng như căng thẳng cước tàu biển kéo dài.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,0 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỷ USD.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, hầu như các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Bên cạnh đó, biên độ chênh lệch giá thời điểm chào bán và giá cước thực tế lúc giao hàng quá lớn khiến các thương nhân và cả khách hàng đều gặp rủi ro lớn.
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.
Huyền My (T/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.