Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng do các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu lớn, trong khi đó quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn kéo dài lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng đến năm 2024.
Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong phiên giao dịch ngày 21 và 22/11, giá gạo xuất khẩu có thời điểm tăng đến 10 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng. Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động từ 658 - 663 USD/tấn. Với mức giá này, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn đang có giá cao nhất thế giới.
Ngoài gạo của Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng đã tăng 7 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 20/11, lên mức 585 USD/tấn. Trước đó, trong tuần từ 13-17/11, gạo của nước này đã điều chỉnh tăng 13 USD/tấn. Như vậy chỉ trong vòng 10 ngày, gạo Thái Lan đã tăng khoảng 20 USD/tấn.
Một nguồn cung khác là Pakistan cũng điều chỉnh tăng mạnh 10 USD/tấn sau nhiều phiên liên tiếp đi ngang. Sau điều chỉnh, giá gạo 5% tấm của nước này hiện ở mức 578 USD/tấn.
Với mức điều chỉnh trên, giá gạo Thái Lan hiện tại đang cao hơn sản phẩm cùng phẩm cấp của Pakistan 7 USD nhưng vẫn thấp hơn gạo Việt Nam 78 USD.
Giải thích nguyên nhân giá gạo tăng, VFA cho biết do các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu lớn, trong khi đó quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn kéo dài lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng đến năm 2024. Đây là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo.
Thời gian qua, việc giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao đã giúp xuất khẩu gạo đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này.
Tính đến ngày 15/11, kết quả xuất khẩu gạo cả nước đã vượt cả năm 2022 về lượng và kim ngạch, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan. Cụ thể, nửa đầu tháng này (1-15/11), cả nước xuất khẩu 332.214 tấn gạo, kim ngạch đạt 219 triệu USD.
Tính chung từ đầu năm đến 15/11, cả nước xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,15 tỷ USD. Con số này đã vượt kết quả xuất khẩu gạo của cả năm 2022 (cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD).
Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,5 tỷ USD và là mức cao nhất từ trước đến nay. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm rõ biến động tại các thị trường nhập khẩu để có định hướng thu mua các đơn hàng; ngoài ra, lựa chọn thời điểm phù hợp để ký hợp đồng xuất khẩu gạo.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.