Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng vượt giá gạo Thái Lan
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch ngày 19/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng vượt giá gạo Thái Lan. Trong khi lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia vẫn được duy trì thì sản lượng và giá xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo vẫn còn tiếp tục biến động.
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng loại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn trong khi loại gạo này của Thái Lan có giá 561 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 19/8 đã cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Theo đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.
Trước đó, vào phiên giao dịch ngày 18/8, giá gạo xuất khẩu Việt Nam cũng tăng thêm 10 USD/tấn. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 25% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ở mức 618-622 USD/tấn; gạo 5% tấm giữ nguyên ở mức 628-632 USD/tấn; gạo chất lượng cao jasmin giá 748-752 USD/tấn…
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) mới đây cũng đã công bố danh sách các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên cả nước.
Cụ thể, tính đến 17/8, cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó dẫn đầu là TP.HCM với 47 thương nhân, tiếp đến là Cần Thơ 42 thương nhân, Long An 25 thương nhân, Đồng Tháp 19 thương nhân, An Giang 18 thương nhân, Hà Nội 10 thương nhân, Tiền Giang 8 thương nhân..
Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh..
Báo cáo về an ninh lương thực năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tổng diện tích lúa cả nước khoảng 7,1 triệu ha; năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng khoảng trên 452 nghìn tấn so với năm 2022.
"Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu", báo cáo trên nêu rõ.
Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trong nước: Khoảng 29,5 triệu tấn thóc, trong đó tiêu thụ của người dân là 13,8 triệu tấn thóc; Phục vụ chế biến: 7,5 triệu tấn thóc; Phục vụ chăn nuôi: 3,4 triệu tấn thóc; Dùng làm giống, giống dự phòng: 1,0 triệu tấn thóc; Dự trữ trong nước: 3,8 triệu tấn thóc.
Theo Bộ NN&PTNT, căn cứ vào nhu cầu sản lượng thóc dành cho bảo đảm an ninh lương thực, và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác năm 2021 cả nước là: 23,78 triệu tấn thóc bao gồm lượng gạo lương thực, làm giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, dự trữ, tồn kho, hao hụt, việc dự tính cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2023 là khoảng 29,5 triệu tấn thóc có hệ số an toàn rất cao. Về xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu năm 2023 ước trên 7,0 triệu tấn (tương đương khoảng 14 triệu tấn thóc).
Huyền My (t/h)Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.