Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục thiết lập mốc mới
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến cuối ngày hôm qua, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng thêm 5 USD/tấn so với cuối tuần trước, lên 643 USD/tấn. Tương tự, giá gạo xuất khẩu 25% tấm cũng tăng thêm 5 USD/tấn, đạt 628 USD/tấn.
Kết phiên ngày 28/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng cao lên 643 USD một tấn, cao hơn gạo Thái Lan 13 USD một tấn. Đây cũng là mức cao nhất 15 năm qua.
Trong lúc các loại gạo Việt đồng loạt tăng trong 5 phiên gần nhất, hàng Thái lại quay đầu giảm. Trong khi đó, gạo 25% tấm của Thái Lan phiên 28/8 rớt xuống 563 USD một tấn, thấp hơn gạo Việt 65 USD. Tương tự, gạo 100% tấm Thái Lan rớt xuống 459 USD một tấn.
Theo các doanh nghiệp, sở dĩ giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt vì nhu cầu thật từ thị trường thế giới lớn. Trong khi đó, giá lúa gạo nội địa liên tục tăng những ngày qua khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải chào giá cao mới có thể chốt được hợp đồng xuất khẩu mà không bị thua lỗ.
7 tháng đầu năm 2023, ngành gạo đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, nước ta sẽ xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn gạo các loại trong năm 2023.
Các chuyên gia phân tích và doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận định giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á nói chung sẽ tiếp tục neo cao, thậm chí nhích tăng trong thời gian tới trong bối cảnh tình trạng căng thẳng nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu được “giải toả”.
Đáng chú ý, cuối tuần trước, hãng tin Reuters cho biết Myanmar sẽ tạm thời cấm xuất khẩu gạo trong vòng 45 ngày kể từ cuối tháng này. Hiện Chính phủ Myanmar chưa đưa ra thông tin chính thức về vấn đề này. Đồng thời, Ấn Độ cũng vừa áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ - loại gạo chiếm gần 20% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước này. Mức thuế này sẽ được áp dụng cho đến ngày 16/10/2023.
Trước đó, kể từ ngày 20/7, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ - vốn chiếm 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.