Giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm trong tháng 7

Nhịp đập thị trường
03:50 PM 01/07/2025

Việc giá gas giảm được xem là tín hiệu tích cực trong bối cảnh chi phí sinh hoạt còn cao, góp phần giảm áp lực tài chính cho hộ gia đình và hỗ trợ doanh nghiệp cân đối chi phí vận hành.

Cùng xu hướng biến động như tháng 6, giá gas bán lẻ trong nước tháng 7 tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp theo xu hướng giá gas thế giới.

Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 7/2025 tại thị trường Hà Nội là 434.200 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.736.700 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 18.600 đồng/bình 12kg và 74.400 đồng/bình 48kg (đã bao gồm VAT).

Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (Gas South) cũng thông báo giảm giá bán lẻ tại khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ, áp dụng cho các nhãn hiệu: Gas Dầu Khí, VT-Gas, A Gas, JP Gas. Cụ thể, giá gas giảm 11.000 đồng/bình 12kg và 41.000 đồng/bình 45kg. Giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tại các khu vực trên lần lượt là 459.400 đồng/bình 12kg và 1.724.346 đồng/bình 45kg (đã bao gồm VAT).

Giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục giảm trong tháng 7- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Đại diện Tổng Công ty Gas Petrolimex cho biết, giá gas giảm là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng Bảy ở mức 560 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với tháng 6 nên Tổng Công ty Gas Petrolimex thực hiện điều chỉnh mức giảm tương ứng. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas có 4 lần giảm và 3 lần giữ nguyên giá bán.

Việc giá gas tiếp tục giảm được đánh giá là tín hiệu tích cực trong bối cảnh chi phí sinh hoạt vẫn là mối quan tâm lớn của người dân. Không chỉ giúp giảm áp lực tài chính cho các hộ gia đình, đợt giảm giá này còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc cân đối chi phí sản xuất và vận hành.

Tính đến chiều 30/6 (giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại Mỹ ở mức 3,646 đô la Mỹ/mmBTU, giảm 2,49%. Dù vậy, tại các khu vực chính, giá khí có xu hướng tăng nhẹ do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, gián đoạn nguồn cung và yếu tố địa chính trị.

Tại châu Á, giá LNG giao ngay dao động 11-12,5 đô la Mỹ/mmBTU, tăng so với đầu tháng 6 do nhu cầu điện tăng tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Trung Quốc.

Tại Mỹ, giá Henry Hub phục hồi lên mức 2,6-2,8 đô la Mỹ/mmBTU, do nắng nóng làm tăng mạnh nhu cầu điện, đặc biệt tại các bang dùng nhiều điện khí cho điều hòa.

Tại châu Âu, giá TTF ở Hà Lan nhích lên 32-36 EUR/MWh (tương đương 10-11,5 đô la Mỹ/mmBTU) vì một số gián đoạn nguồn cung từ Na Uy và điều kiện thời tiết khô nóng khiến nhu cầu phát điện bằng khí tăng cao.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7 Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7

Trong tháng 7, hàng loạt chính sách mới có hiệu lực như: 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền chính quyền địa phương hai cấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp "sổ đỏ"; 5 nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...