Gia hạn thêm 2 tháng điều tra chống lẩn tránh thuế với đường mía
Thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía được Bộ Công thương gia hạn thêm 02 tháng. Theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21/7/2022 nhằm đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan.
Bộ Công thương vừa quyết định gia hạn lần thứ 2 thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 2 tháng.
Trước đó, ngày 21/9/2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN gồm: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía Đường Việt Nam.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến của các bên liên quan về các khía cạnh của vụ việc. Để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, đánh giá đầy đủ thông tin mà các bên liên quan cung cấp, căn cứ Điều 82 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngày 16/5/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 943/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 02 tháng. Theo đó, thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21/7/2022.
Lần gia hạn điều tra đầu tiên trong vụ việc này được Bộ Công thương thực hiện từ tháng 3/2022 và kết thúc vào ngày 21/5/2022.
Quyết định điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường mía nhập khẩu bắt nguồn từ việc tháng 2/2021, Bộ áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Đến 15/6/2021, Bộ ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức với mức thuế 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan.
Số liệu nhập khẩu của cơ quan hải quan cho thấy lượng nhập khẩu đường được khai báo là có xuất xứ từ 5 nước ASEAN trong giai đoạn sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía từ Thái Lan đã tăng mạnh so với giai đoạn trước đó.
Số liệu mới nhất, trong quý I/2022 ghi nhận đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia, Myanmar) vào Việt Nam tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong quý I/2022 đã có hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường tăng đột biến (mức tăng từ 187.251 tấn năm 2021 lên 391.468 tấn năm 2022, tức tăng 209%), từ các nước ASEAN có trình độ sản xuất đường tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam. Số lượng nhập khẩu kể trên đều đang sử dụng Hiệp định ATIGA để được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.
Ngay sau khi lượng đường nhập khẩu từ một số nước ASEAN (ngoài Thái Lan) có dấu hiệu gia tăng, Cục Phòng vệ Thương mại và các đơn vị liên quan đã chủ động tham vấn, hỗ trợ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng như ngành sản xuất đường mía trong nước thu thập thông tin, số liệu, xây dựng Hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm đường mía.
HM (T/h)Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.