Giá hàng hóa tăng cao nhất kể từ năm 2009
Giá hàng hóa đã tăng cao nhất kể từ năm 2009 khi chiến sự tại Ukraine đe dọa đến các nguồn cung quan trọng như năng lượng, cây trồng và kim loại vốn đang khan hiếm sau đại dịch.
Chỉ số hàng hóa giao ngay Bloomberg (Bloomberg Commodity Spot Index) - theo dõi 23 hợp đồng tương lai hàng hoá cơ bản - đã tăng 4,1% trong phiên giao dịch ngày 2/3. Chỉ số này đã tăng gấp đôi so với mức thấp nhất 4 năm ghi nhận hồi tháng 3/2020 – thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát.
Các lệnh trừng phạt sâu rộng nhằm vào Nga từ Mỹ, châu Âu khiến các giao dịch thương mại với nước này rơi vào bế tắc. Trong khi đó, Nga là nhà cung cấp lớn về dầu thô, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc, phân bón và kim loại như nhôm.
Cuộc chiến ngày càng leo thang tại Ukraine đang làm trầm trọng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên toàn cầu khiến mức lạm phát ở Mỹ bị đẩy lên mức cao nhất kể từ năm 1982. Điều này tạo ra tình huống khó xử cho các ngân hàng trung ương trên toàn cầu khi cân nhắc việc tăng chi phí vay nợ để đối phó với nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Giá dầu WTI giao kỳ hạn tại New York cũng tăng vọt qua mức 110 USD/thùng trong phiên hôm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2014. Cụ thể, giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 6,11%, lên mức 111,38 USD/thùng trong khi dầu WTI cũng tăng 6,13%, cán mức 109,75 USD.
Giá dầu tăng cao khi các ngân hàng rút các thỏa thuận tài chính với Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới và đối tác của Saudi Arabia trong liên minh OPEC . Không những vậy, các công ty dầu khí lớn ở phương Tây như Shell, BP, Exxon cũng quyết định rút khỏi Nga.
Theo Reuters, giá lúa mỳ giao dịch tại Chicago (Mỹ) đã tăng gần 3% lên 10,1125 USD/bushel, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 3/2008 là 10,23 USD/bushel. Giá tăng do những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung kéo dài sau khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới. Giá ngô giảm sau khi leo lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2021 và đậu tương giảm lần đầu tiên sau 3 phiên.
Các nhà nhập khẩu lúa mỳ, ngô và dầu hướng dương trên thế giới có thể sẽ tìm kiếm nguồn cung thay thế do căng thẳng giữa các nhà cung cấp chính là Nga và Ukraine đã hạn chế nguồn cung.
Các thương nhân cho biết những người mua ngô làm thức ăn chăn nuôi đã nhanh chóng đặt trước nguồn cung từ Liên minh châu Âu để thay thế cho nguồn hàng từ Ukraine. Tuy nhiên, khu vực châu Âu cũng đang gặp khó khăn khi mất nguồn cung từ Ukraine và có thể sớm phải tìm nguồn cung cấp khác.
Nga và Ukraine cũng là nguồn cung cấp ngũ cốc lớn của thế giới. Hai nước này cung cấp 1/4 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới, chiếm 1/5 doanh số bán ngô và một tỷ lệ tương tự đối với mặt hàng lúa mạch và chiếm hơn 80% mặt hàng dầu hướng dương.
Trong khi đó, EU phụ thuộc vào Nga khoảng 1/4 lượng dầu thô và 1/3 lượng khí đốt tự nhiên. Nhôm của Nga cũng chiếm khoảng 10% nhập khẩu nhôm của Mỹ.
Tham khảo: Bloomberg, Reuters
Khánh VySáng sớm ngày 5/1, đỉnh Fansipan - "nóc nhà Đông Dương" - lại một lần nữa xuất hiện băng giá, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp hiện tượng này diễn ra.