Giá heo hơi tăng mạnh, doanh nghiệp tăng tốc tái đàn đón sóng
Giá heo hơi tại Việt Nam đang duy trì ở mức cao trong những tháng đầu năm 2025, tạo động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp chăn nuôi đẩy nhanh kế hoạch tái đàn và mở rộng sản xuất. Sau khi đạt đỉnh hơn 80.000 đồng/kg vào giữa tháng 3 – mức cao nhất trong vòng 3 năm, giá heo hơi hiện duy trì quanh mức 70.000 đồng/kg tính đến ngày 6/5. Đây là mặt bằng giá cao hơn nhiều so với giai đoạn 2022–2024 và giúp người chăn nuôi có lãi rõ rệt, đặc biệt với các doanh nghiệp sở hữu chuỗi khép kín.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco – ông Nguyễn Như So – cho biết giá thành nuôi heo trung bình của doanh nghiệp ở mức 48.000–49.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá bán hiện nay. Với CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam, giá thành còn thấp hơn, chỉ khoảng 45.000 đồng/kg. Với mức giá bán 63.000–64.000 đồng/kg, mỗi con heo mang lại lợi nhuận khoảng 1,5 triệu đồng. Ngược lại, người chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó do giá giống cao, chi phí nuôi khoảng 60.000 đồng/kg, biên lợi nhuận thấp hơn nhiều.

Nguồn: Wichart, Anovafeed (H.Mĩ tổng hợp)
Đà tăng giá heo hơi đã mang lại kết quả kinh doanh tích cực cho nhiều doanh nghiệp lớn. Dabaco báo lãi ròng 508 tỷ đồng trong quý I/2025, gấp 7 lần cùng kỳ. BAF Việt Nam lãi 132 tỷ đồng, tăng 11%, còn mảng nông nghiệp của Hòa Phát đạt 407 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đà tăng này được hỗ trợ bởi sự thiếu hụt nguồn cung khi dịch tả heo châu Phi tiếp tục bùng phát. Tính riêng quý I/2025, cả nước có 75 ổ dịch tại 21 tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đáng kể đến tổng đàn heo.

Nguồn: Cục Chăn nuôi và Thú y (H.Mĩ tổng hợp)
Thêm vào đó, thiên tai như bão số 3 hồi tháng 9/2024 đã tàn phá nhiều đàn vật nuôi, đặc biệt là heo nái sinh sản ở miền Bắc, làm nguồn cung con giống suy giảm rõ rệt. Cùng với việc áp dụng Luật Chăn nuôi từ đầu năm 2025, hàng loạt trang trại không đủ điều kiện buộc phải dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô, khiến nguồn cung thịt heo bị ảnh hưởng cục bộ.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Năm 2024, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 thế giới về tiêu thụ thịt heo, với mức tiêu dùng bình quân 37 kg/người/năm, tăng hơn 3 kg so với năm 2023. Trong bối cảnh nguồn cung giảm, tiêu thụ tăng và con giống khan hiếm, nhiều tổ chức dự báo giá heo sẽ tiếp tục neo cao đến giữa hoặc cuối năm 2025.
Chủ tịch Dabaco kỳ vọng giá heo hơi sẽ còn giữ ở mức cao và còn còn kéo dài đến 2026. Nguyên nhân là hiện Việt Nam đang thiếu đàn nái. Nhu cầu bình thường của ngành chăn nuôi là cần 2,4 triệu nái/con nhưng vừa rồi do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chết nhiều. Ông ước tính còn số đàn nái hiện tại là còn 1,8 triệu con nên hiện tại thiếu.
Trong khi đó, lượng con giống nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua giảm dần. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi và Thú Y, năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 4.088 nghìn con heo giống, mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và giảm 25% so với năm 2023.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang tận dụng cơ hội này để mở rộng quy mô. BAF Việt Nam đã nâng tổng đàn lên hơn 450.000 con trong năm 2024, tăng hơn 40% so với năm trước. Công ty đang đẩy mạnh phát triển mô hình trại heo tầng công suất lớn tại Tây Ninh và đặt mục tiêu đạt 10 triệu con bán ra vào năm 2030. Dabaco cũng công bố kế hoạch đầu tư gần 2.841 tỷ đồng cho 5 khu chăn nuôi công nghệ cao đến năm 2028, trong đó dự án Ngọc Lặc (Thanh Hóa) dự kiến hoàn thành sớm nhất vào năm 2026.

Một số trang trại dự kiến xây dựng của Dabaco (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ Dabaco 2025)
Với doanh nghiệp chế biến như Vissan, giá heo hơi tăng là áp lực lớn do chi phí nguyên liệu đầu vào đội lên. Công ty đang đẩy mạnh chiến lược tự chủ nguồn nguyên liệu theo chuỗi "Feed – Farm – Food" thông qua dự án trại heo tại Bình Dương có tổng mức đầu tư gần 230 tỷ đồng và quy mô khoảng 32.000 con. Ngoài ra, Vissan cũng tăng cường hợp tác với các trang trại lớn để ổn định nguồn cung.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ hiện chỉ còn 30%, giảm mạnh so với mức 70% trước khi dịch tả heo châu Phi bùng phát. Các doanh nghiệp quy mô lớn đang dần chiếm lĩnh thị phần nhờ lợi thế vốn, công nghệ và khả năng kiểm soát chi phí. Giới phân tích cho rằng xu hướng chuyển dịch sang chăn nuôi tập trung sẽ tiếp tục trong thời gian tới, đặc biệt khi giá heo giống tăng mạnh, đạt gần 3 triệu đồng/con – chiếm khoảng 40% tổng giá thành nuôi. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đầu tư vào trại giống và công nghệ hiện đại sẽ là những đơn vị hưởng lợi lớn nhất từ mặt bằng giá cao hiện nay.
PV
Để đảm bảo việc cung ứng điện trong năm nay, Bộ Công Thương đang tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính.