Giá kim loại 'đua nhau' lập đỉnh do khủng hoảng năng lượng

Thị trường
10:52 AM 18/10/2021

Giá đồng, nhôm, kẽm liên tục tăng khiến thị trường kim loại "sốt nóng" do nguồn cung hạn hẹp vì thiếu điện và giá điện tăng quá cao trong khi sản xuất các mặt hàng này chủ yếu sử dụng điện để sản xuất.

Cụ thể, giá đồng đã lập đỉnh 10 năm, tăng vượt 10.000 USD/tấn trong tuần này khi các nhà giao dịch tụ họp ở London nhân sự kiện thường niên Tuần LME. Trong khi đó, giá kẽm tăng tới 10% và lập đỉnh 15 năm, còn giá nhôm tăng vượt 3,170 US/tấn, cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.

Ảnh minh họa. Nguồn: Finacial Times

Ảnh minh họa. Nguồn: Finacial Times

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đà tăng giá kim loại còn kéo dài đến hết năm nay. Nguyên nhân là các ngành sản xuất kim loại này đều cần nhiều điện để sản xuất giữa tình hình thiếu điện trầm trọng ở các quốc gia vốn là nguồn cung quan trọng.

Làn sóng cắt giảm nguồn cung kim loại đang lan rộng từ Trung Quốc sang châu Âu, xuất phát từ cuộc khủng hoảng năng lượng lan rộng khắp toàn cầu do tình trạng thiếu hụt từ khí tự nhiên đến than đá và dầu mỏ gây thiếu điện và làm tăng điện, đẩy chi phí sản xuất kim loại tăng mạnh.

Các kho dự trữ khí đốt tự nhiên của các nước đã cạn kiệt trong khi lo ngại về một mùa đông lạnh giá ở Bắc bán cầu đang thúc đẩy sự cạnh tranh gay gắt giữa những người mua ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ trong cuộc chạy đua để có được nguồn khí để bổ sung vào kho dự trữ kịp cho mùa đông tới. 

Đối với kim loại, sự suy giảm nguồn cung khí đốt có nghĩa là sản lượng kim loại sẽ giảm ngay khi nhu cầu đang bùng nổ. Nhu cầu về kẽm, được sử dụng trong sản xuất thép, rất mạnh khi các nền kinh tế trên thế giới mở cửa trở lại sau giai đoạn phong tỏa/giãn cách xã hội chống COVID-19. Nhu cầu nhôm để đóng gói thực phẩm, sản xuất ô tô và xây dựng cũng tăng trở lại...

Nhiều nước yêu cầu các công ty này hạn chế sản xuất để giảm bớt chi tiêu điện trong nước, cùng lúc giá điện tăng khiến chi phí trên mỗi tấn thành phẩm tăng theo. Điều này khiến nguồn cung hạn hẹp và giá tăng phi mã. 

Điển hình là Glencore, doanh nghiệp khai thác và kinh doanh kim loại của Thụy Sĩ, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu điện. 3 nhà máy kẽm của tập đoàn này tại châu Âu phải cắt giảm sản lượng vì giá điện tăng cao. Nyrstar, nhà sản xuất kim loại lớn khác, có kế hoạch giảm tới 50% sản lượng 3 lò luyện tại châu Âu do giá điện cao và chi phí liên quan đến khí thải carbon.

Matalco Inc., nhà sản xuất phôi nhôm lớn nhất của Mỹ, cũng cảnh báo họ có thể cắt giảm sản lượng trong năm nay vì phải chi trả quá nhiều tiền điện.

Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết chi phí điện năng cao cũng gây lạm phát và điều này thúc đẩy nhu cầu từ các nhà đầu tư đối với đồng và các hàng hóa vật chất khác như một biện pháp phòng hộ.

Chỉ mới đây, các tổ chức nghiên cứu và kẽm và đồng quốc tế dự báo cung đồng và kẽm năm 2022 sẽ đều dư thừa. Song hiện nay họ đang xem xét lại các dự báo này trên cơ sở lập luận cuộc khủng hoảng điện có thể làm đảo ngược những dự đoán đó.

An Mai
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Hưởng ứng và triển khai các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 tại Hà Nội.