Gia Lai: Chương trình tái canh cây cà-phê ở IA GRAI

Địa phương
10:07 AM 03/08/2021

Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà-phê lớn, trong đó đứng thứ nhất thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà-phê vối. Hiện nay, cây càphê đã và đang trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho hàng chục nghìn hộ dân.

Sản xuất cà-phê theo hướng bền vững

 Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích trồng cà-phê nước ta đạt khoảng 680.000 ha. Trong đó, diện tích kinh doanh là hơn 632.000 ha với sản lượng cà-phê nhân đạt hơn 1,7 triệu tấn/năm. Đến nay, sản phẩm cà-phê nước ta đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu 2020, đạt 2,7 tỷ USD. Những năm qua, cây cà-phê đã tạo việc làm và thu nhập cho hơn 600 nghìn hộ dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Gia Lai: Chương trình tái cacnh cây cà-phê ở IA GRAI - Ảnh 1.

 Để phát triển bền vững cây cà-phê, vừa phát huy hết tiềm năng, lợi thế vừa nâng cao thu nhập cũng như bảo đảm sản phẩm cho xuất khẩu, nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất cà-phê hàng hóa lớn, chất lượng cao. Ở những vùng trồng cà-phê, người dân đang thực hiện tốt việc xen canh các loại cây trồng như: hồ tiêu, điều, sầu riêng, bơ, hồng, mít, chôm chôm, mắc ca… mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Theo thống kê, diện tích trồng xen canh các loại cây trong vườn cà-phê trên địa bàn cả nước đạt hơn 160.000 ha. Nhiều nhất tại các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Đắk Nông và Gia Lai. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay việc trồng xen trong vườn cà-phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác, giúp sản xuất mang tính bền vững. Qua đánh giá từ các mô hình cho thấy, việc trồng xen cây sầu riêng, bơ trong vườn cà-phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập tăng thêm khoảng 50 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà-phê cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 311 triệu đồng/ha/năm; cây bơ lợi nhuận khoảng 146 triệu đồng/ha/năm; hồng ăn trái lợi nhuận khoảng 87 triệu đồng/ha/năm.

 Theo đánh giá, việc trồng xen các loại cây trồng khác trong vườn cà-phê tại tỉnh Đắk Nông cũng đang đem lại kết quả tốt. Trong đó, lợi nhuận thu được từ trồng xen sầu riêng, bơ đạt cao nhất, trung bình khoảng 220 triệu đến 250 triệu đồng/ha/năm do các mô hình này vừa đạt năng suất cao vừa có sự ổn định về giá và chi phí chăm sóc cũng thấp hơn; còn trồng xen cây điều lợi nhuận trung bình khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, cây hồ tiêu lợi nhuận từ 94 đến 125 triệu đồng/ha/năm.

 Tuy nhiên, việc sản xuất cà-phê ở nước ta cũng còn nhiều tồn tại khi diện tích cà-phê già cỗi chiếm từ 140.000 -160.000 ha. Phần lớn diện tích này nằm trong vùng quy hoạch cần được đẩy nhanh tái canh, ghép cải tạo. Hơn nữa, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán khi có tới 84 đến 89% diện tích là của nông hộ. Trong đó, 63% có quy mô dưới 1 ha/hộ cho nên khó tiếp cận vốn và tiến bộ kỹ thuật. Ngoài ra, cơ cấu giống chưa hợp lý khi cà-phê vối chiếm tỷ lệ 92,9%, còn diện tích cà-phê giống mới chỉ chiếm 20%, cho nên năng suất thấp, chất lượng kém. Cùng với đó, sản xuất cà-phê chủ yếu chạy theo số lượng, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng; việc áp dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, thu hoạch còn hạn chế; thiếu nghiên cứu về bảo quản, chế biến và tổ chức sản xuất, kinh doanh; mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản chưa gắn kết và hình thành chuỗi, dẫn đến hiện tượng vừa thừa vừa thiếu, gây lãng phí…

Ia Grai đẩy mạnh tái canh cà-phê 

 Huyện Ia Grai sử dụng nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ cây giống cho người dân tái canh trên những diện tích cà-phê già cỗi, năng suất thấp, từng bước nâng cao hiệu quả loại cây trồng mũi nhọn này. 

Gia Lai: Chương trình tái cacnh cây cà-phê ở IA GRAI - Ảnh 2.

 Huyện Ia Grai có 17.923 ha cà-phê, trong đó có 15.755 ha kinh doanh, sản lượng hơn 53.300 tấn/năm. Để nâng cao chất lượng, năng suất cà-phê sau thời gian vào kinh doanh, ngành Nông nghiệp tuyên truyền, vận động người dân chủ động tái canh những diện tích già cỗi, năng suất thấp. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2021, từ nguồn vốn sự nghiệp nông – lâm nghiệp và lồng ghép các nguồn hỗ trợ khác, huyện đã xuất 3,98 tỷ đồng để triển khai chương trình tái canh cà-phê. Đến nay, huyện đã hỗ trợ 807.300 cây cà-phê giống TRS1 cho các hộ tái canh. Mức hỗ trợ tối đa không quá 7,5 triệu đồng/hộ (1.100 cây/ha). Đến nay, toàn huyện đã tái canh hơn 3.000 ha cà-phê. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức 49 lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tái canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cà-phê; xây dựng được 13 ha mô hình tái canh cà-phê với 27 hộ dân tham gia. 

 Để có nguồn giống đảm bảo chất lượng, UBND huyện Ia Grai giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (No&PTNT) hợp đồng với cơ sở sản xuất cây giống Thanh Kiều (xã Ia Sao) để ươm giống. Ngoài ra, UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh cây giống để đảm bảo nguồn gốc và chất lượng cây giống cung ứng ra thị trường. Chủ cơ sở sản xuất cây giống Thanh Kiều cho hay: "Cơ sở chúng tôi được Sở NN & PTNT cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn vườn ươm tham gia Dự án VnSAT để sản xuất cây giống cà-phê từ năm 2017. Cây giống cung cấp cho người dân đảm bảo đạt tiêu chuẩn chiều cao thân, không bị sâu bệnh và được đưa ra ngoài trời 10-15 ngày trước khi xuất bán". 

 Theo lãnh đạo Phòng No&PTNT huyện: Thời gian qua, người trồng cà-phê thường tái canh theo kiểu phá bỏ cây già cỗi để trồng dặm. Với cách thức này thì nông dân vẫn có thể tận thu những cây cà-phê còn cho năng suất cao, đảm bảo nguồn thu để hỗ trợ đầu tư chăm sóc cây tái canh. Ngoài ra, trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, nông dân còn bổ sung nguồn thu nhập bằng việc trồng xen cây ngắn ngày. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã chủ động trồng xen cây ăn quả để che bóng, chắn gió cho vườn cà-phê, vừa đa dạng sản phẩm. Chương trình tái canh cà-phê đã giúp người dân giảm bớt chi phí đầu tư giống. Vườn cây trong thời kỳ kiến thiết cơ bản đang sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với các vườn cây tái canh sau khi đi vào kinh doanh cho năng suất bình quân đạt 9-15 tấn quả tươi/ha.

Đức Duy
Ý kiến của bạn
NHNN: Tiếp tục điều hành hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt NHNN: Tiếp tục điều hành hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, sáng 19/4, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong quý I/2024, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.