Gia Lai: Krông Pa phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế nông thôn

Địa phương
01:52 PM 21/02/2024

Trong những năm qua, việc triển khai chương trình OCOP trên địa bàn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển…; góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Trong bối cảnh người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng cao thì việc tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có giá trị, thương hiệu, có nét đặc sắc riêng của vùng miền là xu thế chung. Chương trình OCOP là hướng đi, lựa chọn đúng đắn. Việc triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là hoạt động quan trọng, thiết thực nhằm góp phần giúp các sản phẩm đặc sản địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, tiếp cận hiệu quả với thị trường trong và ngoài nước.

Cuối tháng 11 năm 2023, huyện Krông Pa chính thức cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023 cho 15 sản phẩm, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí, chuyển hồ sơ và sản phẩm mẫu đề nghị cấp tỉnh đánh giá, phân hạng 4 sao OCOP cho 2 sản phẩm, gồm: bò một nắng Nguyệt Viên Food (hộ kinh doanh Hà Quyết) và bò một nắng Tuấn Hậu (hộ kinh doanh quán ăn Tuấn Hậu).

Gia Lai: Krông Pa phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế nông thôn- Ảnh 1.

Gia Lai: Krông Pa phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế nông thôn- Ảnh 2.

Tính đến nay, toàn huyện Krông Pa đã có 29 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao (trong đó đã có 05 sản phẩm đã tổ chức đánh giá lại, 02 sản phẩm đủ điều kiện đang đề xuất tỉnh đánh giá công nhận sản phẩm đạt 4 sao); có 08 chủ thể tham gia chương trình.

Trong tổng 29 sản phẩm, có 20 sản phẩm OCOP được chế biến từ thịt bò như: Bò một nắng Tý Vân, Bò một nắng Tuấn Hậu, Bò một nắng Mười Đức, Bò một nắng Quỳnh Ngân, Bò một nắng Nguyệt Viên Food. Ngoài ra, nhiều sản phẩm được các chủ thể chế biến từ thịt bò như: khô bò sợi, bò khô miếng, sườn bò một nắng, gàu bò một nắng, bò gác bếp…

Gia Lai: Krông Pa phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế nông thôn- Ảnh 3.

Thực hiện chương trình OCOP, huyện Krông Pa có lợi thế khi có đàn bò lớn nhất tỉnh với khoảng 70.000 con, chủ yếu là giống bò cỏ địa phương. Với điều kiện khí hậu nắng nóng cùng nguồn nguyên liệu chất lượng, Krông Pa là nơi sản sinh đặc sản thịt bò một nắng mang đặc trưng riêng. Đặc biệt, nhờ được chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, thương hiệu bò một nắng Krông Pa đã được "tiếp sức" để vươn xa.

Gia Lai: Krông Pa phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế nông thôn- Ảnh 4.

Để có được kết quả tích cực như hiện tại, huyện Krông Pa đã tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp. Trong năm 2023, huyện đã tổ chức 01 Hội nghị về tập huấn về ý tưởng kinh doanh, tư vấn cho cộng đồng phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện với 140 người là cán bộ cấp huyện, xã, cán bộ thôn buôn và chủ thể sản xuất.

Về công tác xúc tiến thương mại, huyện luôn quan tâm tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin về các hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp - PTNT, Sở Công thương) cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm có nhu cầu đăng ký tham gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của đơn vị mình.

Các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, cụ thể: Đã tham gia hội thi sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai do Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tổ chức; Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Gia Lai; tham gia trưng bày và bán sản phẩm tại Hội chợ Thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai năm 2023, xúc tiến thương mại ngoài tỉnh như Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM,... Bên cạnh đó, các chủ thể luôn chủ động bán hàng online thông qua trang web cá nhân, Zalo, facebook, Tiktokshop,…

Những thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP là điểm tựa để Krông Pa đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua. Thành công trong xây dựng nông thôn mới đang góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế, xã hội của huyện theo hướng khang trang, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được quan tâm, thực hiện tốt hơn.

Kết cấu hạ tầng của huyện được quan tâm đầu tư phát triển một cách đồng bộ, đúng theo quy hoạch và xu thế phát triển. Hệ thống giao thông được cứng hóa và bê tông hóa gần như hoàn toàn, đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống 9 công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ tốt công tác tiêu thoát và cấp nước; 99% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn, 100% xã xây dựng nông thôn mới có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu.

Thời gian tới, huyện Krông Pa sẽ tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phùng Sơn
Ý kiến của bạn