Gia Lai: Rệp sáp gây hư hại hơn 1.700 ha cà phê

Địa phương
09:22 AM 23/02/2023

Theo thống kê của Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai), toàn tỉnh có hơn 1.711,6 ha cà phê bị rệp sáp gây hại.

Cụ thể, trong số 1.711,6 ha cà phê nhiễm rệp sáp gây hại, tỷ lệ nhiễm nhẹ là 1.680,5 ha, nhiễm trung bình 31,1 ha. Diện tích cà phê nhiễm bệnh phân bố tập trung ở các huyện như: Chư Prông 1.225 ha, Chư Sê 229 ha, Chư Pưh 104 ha, Đức Cơ 100 ha, Chư Păh 16 ha, Đắk Đoa 10 ha, Ia Grai 7,6 ha và TP. Pleiku 20 ha.

Gia Lai: Rệp sáp gây hư hại hơn 1.700 ha cà phê  - Ảnh 1.

Rệp sáp gây hư hại hơn 1.700 ha cà phê ở Gia Lai

Rệp sáp là đối tượng sinh vật gây hại phổ biến trên cây cà phê. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm cây cà phê đang nở hoa cho đến hết mùa vụ thu hoạch; trong đó, giai đoạn rệp sáp gây hại mạnh nhất là vào mùa khô và đầu mùa mưa. Rệp sáp thường bám vào chồi non, cành lá, chùm quả, thân rễ để hút nhựa cây làm cho chồi non, cành lá bị khô héo, rụng bông, rụng quả non.

Rệp sáp gây hại làm tổn thương cuống quả tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây bệnh thối rụng quả hàng loạt. Trường hợp cây bị nặng, gặp nắng nóng kéo dài có thể khô héo, dẫn đến chết cây.

Để kịp thời phòng trừ rệp sáp gây hại cà phê, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) đề nghị các địa phương trồng cà phê, các doanh nghiệp, công ty, nông - lâm trường cà phê cần hướng dẫn người sản xuất thường xuyên vệ sinh vườn cây như cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm, cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất... để vườn cà phê vừa thông thoáng vừa giảm tiêu hao dinh dưỡng, hạn chế sự phát sinh lây lan của rệp. Thăm vườn cà phê thường xuyên để phát hiện, nắm bắt mật độ của rệp sáp, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.

Đối với vườn cà phê có mật độ rệp sáp cao có nguy cơ lan rộng mới cần phun toàn bộ diện tích bị nhiễm. Khi tưới nước có thể kết hợp dùng vòi nước với áp suất cao xịt mạnh vào cành, chùm hoa, chùm quả có rệp sáp để làm rụng cánh hoa khô và bể lớp sáp, sau đó phun thuốc sẽ hiệu quả hơn.

Hồng An
Ý kiến của bạn