Giá lợn hơi cao nhất 2 năm qua, nông dân vẫn thận trọng tái đàn
Giá lợn hơi trong những ngày qua tiếp tục tăng nhanh và tiến sát mốc 70.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 2 năm qua của thị trường lợn hơi Việt Nam.
Tlợn ghi nhận, sau thời gian dài ảm đạm, giá lợn hơi trên cả nước liên tục tăng nhanh thời gian trở lại đây. Trong ngày 27/5, tại miền Bắc, giá thu mua đứng yên không đổi: Theo đó, lợn hơi tại Yên Bái, Lào Cai, Nam Định và Ninh Bình tiếp tục được giao dịch với giá 68.000 đồng/kg, tại các tỉnh, thành khác trong khu vực đang giao dịch ổn định ở mức 69.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc trong khoảng 68.000 - 69.000 đồng/kg.
Ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên: Tiếp đà tăng 1.000 đồng/kg tại Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Bình Định, hiện đang ở mức 66.000 đồng/kg, giá giao dịch tại các tỉnh còn lại không ghi nhận thay đổi mới về giá. Hiện tại, giá lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg.
Khu vực miền Nam tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước: Cụ thể, thương lái ở Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ và Kiên Giang đang cùng thu mua lợn hơi ở mức 68.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Sau khi tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, lợn hơi tại An Giang và Bình Dương đang được giao dịch với giá tương ứng là 68.000 đồng/kg và 69.000 đồng/kg. Ở khu vực phía Nam hôm nay, giá thu mua dao động trong khoảng 66.000 - 69.000 đồng/kg.
Trong tuần trước (20/5 - 26/5), giá lợn hơi liên tục tăng nhanh và diễn ra trên diện rộng (tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với tuần trước đó). Nhiều địa phương tiến sát mốc 70.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 2 năm qua của thị trường lợn hơi Việt Nam.
Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, đà tăng giá lợn hơi xuất phát từ việc nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, và kiểm soát tốt lợn lậu, đồng thời một phần do tâm lý trên thị trường.
Tại khu vực miền Bắc, theo thông tin từ một số doanh nghiệp, nguồn cung lợn đạt tuổi xuất chuồng còn khá ít. Đặc biệt, chênh lệch giá lợn tại miền Bắc và các địa phương giáp biên giới của Trung Quốc ở mức thấp nên tình trạng vận chuyển, buôn bán lợn từ Trung Quốc vào nước ta cũng trầm lắng hơn.
Tại khu vực miền Nam và miền Trung, tình trạng này diễn ra tương tự. Trong tháng 3 chênh lệch giá lợn hơi giữa Việt Nam và Thái Lan lên tới 20.000 đồng/kg dẫn tới lợn từ Thái Lan, Campuchia tuồn vào thị trường nước ta nhiều.
Tuy nhiên, sang tháng 4, sau khi tình trạng lợn lậu được phản ánh và xuất hiện dịch nhiệt thán bùng phát tại Thái Lan, các cửa khẩu tại miền Trung siết chặt kiểm dịch từ nước này sang. Cùng với đó, mức chênh lệch giá lợn giữa Việt Nam và Thái Lan dần thu hẹp về chỉ còn 11.000 - 15.000 đồng/kg, trong khi các chi phí vận chuyển có xu hướng tăng đã khiến phần lớn thương lái không còn thấy hấp dẫn.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên phó Cục trưởng Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, việc giá lợn hơi duy trì ở mức thấp trong hai năm qua đã khiến số nông hộ chăn nuôi của Việt Nam giảm hơn 50% so với trước. Hiện giá lợn giống vẫn ở mức cao khiến người nuôi còn dè dặt tái đàn.
Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dự báo sẽ tăng trở lại nên giá lợn hơi sẽ còn duy trì mức cao đến cuối năm. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến thời điểm cuối tháng 4, tổng đàn lợn của cả nước khoảng hơn 28 triệu con, tăng khoảng 3,7% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tại một số tỉnh tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang có tốc độ tăng trưởng khá cao do các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt độ khiến nguồn cung trong giai đoạn cuối năm có thể tăng.
Huyền My (t/h)Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.