Giá lợn hơi chạm đáy, người chăn nuôi tiếp tục thua lỗ nặng

Nhịp đập thị trường
03:49 PM 22/12/2023

Dù lợn đã đến tuổi xuất bán, nhưng vì giá quá thấp, chỉ khoảng 47.000 - 48.000 đồng/kg nên nhiều hộ vẫn “gồng lỗ” nuôi thêm và hy vọng giá lợn sẽ tốt hơn khi Tết Nguyên đán - mùa cao điểm tiêu thụ sắp tới.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), đầu tháng 12 giá lợn hơi bình quân cả nước là 48.000 đồng một kg - thấp nhất trong năm 2023. 

Một tuần trở lại đây giá nhích tăng nhẹ, lên 49.000 - 50.000 đồng một kg song vẫn thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM) ngày 22/12, giá loại thịt này dao động 47.000 - 53.000 đồng một kg. Lượng lợn về chợ trên 5.800 con, tăng 9% so với một ngày trước đó.

Trong khi, giá thành sản xuất 1kg lợn hơi dao động từ 45.000-52.000 đồng/kg. Với giá bán lợn hơi hiện tại, người chăn nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Giá lợn hơi chạm đáy, người chăn nuôi tiếp tục thua lỗ nặng- Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Đáng chú ý, dù đã "chạm đáy" nhưng giá lợn hơi xuất chuồng tại Việt Nam vẫn cao hơn giá tại một số nước xuất khẩu thịt lợn chủ yếu vào Việt Nam. Đơn cử, giá lợn hơi tại Mỹ trung bình 33.000-34.000 đồng/kg; tại Nga 36.000 đồng/kg, Brazil 34.000-35.000 đồng/kg...

Cục Chăn nuôi chỉ rõ nguyên nhân giá lợn hơi gần đây giảm ngang hoặc dưới giá thành sản xuất, đó là bởi sức mua thực phẩm giảm nhẹ do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng khi lạm phát tăng. Tiêu thụ thực phẩm của các khu công nghiệp giảm mạnh vì nhà máy không có đơn hàng sản xuất.

Nguồn cung lợn thịt trong nước tăng vào các tháng 9, tháng 10 và tháng 11 năm 2023 do tình hình chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp và trang trại vẫn duy trì ở mức khá cao.

Tâm lý của người chăn nuôi còn bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch tả lợn châu Phi. Lợn chưa đủ trọng lượng nhiều hộ đã xuất bán. Điều này tác động trực tiếp lên giá lợn hơi xuất chuồng.

Lượng thịt lợn nhập khẩu cũng tăng liên tục trong nửa cuối năm 2023. Tình trạng nhập lậu lợn sống, sản phẩm thịt lợn vẫn diễn ra. Vấn đề này gây áp lực với thịt lợn sản xuất trong nước vì phải cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ, lại tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn trong nước.

Ngành hàng này cũng chưa có cơ chế đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi nhuận của các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt lợn. Mặc dù giá lợn hơi tại cổng trại giảm nhưng giá thịt tại các siêu thị, các cơ sở/điểm bán lẻ gần như không giảm. Điều này có lợi cho thương lái, chủ lò mổ và người bán lẻ thịt nhưng không có lợi cho cơ sở chăn nuôi và người tiêu dùng thực phẩm, Cục Chăn nuôi cho hay.

Hiện nay, sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn hàng nhập khẩu. Ước tính cả năm 2023, nước ta nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu TACN, tương đương 6,8 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm nguyên liệu nguồn gốc từ động vật.

Năm 2023, giá các nguyên liệu TACN chính đều giảm so với năm ngoái. Song, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7-3,5% so với năm 2022 và cao hơn 44,8% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 (năm 2019). Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu đẩy giá thành sản xuất lên mức cao, trong khi giá gà và lợn hơi xuất chuồng lại giảm khiến người chăn nuôi còng lưng gánh lỗ.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, tổng đàn lợn cả nước năm nay khoảng 30,3 triệu con, tăng trên 4% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,6 triệu tấn, trong đó gần 62% là lợn hơi, còn lại là gia cầm, thịt trâu, bò.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.