Giá lúa cao làm giảm một nửa xuất khẩu gạo
Giá lúa nguyên liệu ở ĐBSCL hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Hiện lúa khô (giống lúa thường - OC10, Long Định…) có giá từ 8.200 - 8.500 đồng/kg, cao hơn từ 2.500 – 3.000 đồng/kg so với các năm trước. Riêng các loại giống lúa chất lượng cao, giá tăng thêm từ 300 - 500 đồng/kg so với lúa thường. Giá lúa cao nhưng thu hoạch đến đâu thương lái thu mua đến đó.
Giá lúa cao kéo theo giá gạo xuất khẩu cũng tăng. Theo đó, trên thị trường ngày 25/2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu ở mức 505 – 510 USD/tấn (kỳ hạn giao sau ngày 15/3), cao nhất trong vòng một thập kỷ. Mức giá này không thấp hơn mấy so với giá gạo cùng loại của Thái Lan (520 – 560 USD/tấn), trong khi cao hơn rất nhiều so với gạo Ấn Độ (gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần này giá 393 – 399 USD/tấn).
Nguồn cung lúa vụ Đông Xuân ở ĐBSCL đang tăng dần theo tiến độ thu hoạch. Nguồn tin Reuters cho biết, có một số thương lái Trung Quốc đến tìm hiểu tình hình để mua gạo xuất khẩu sang Trung Quốc và những thị trường khác, song vẫn chưa có nhiều đơn đặt hàng từ Trung Quốc vì họ chờ đến lúc thu hoạch cao điểm.
Xuất khẩu gạo Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 dự báo giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Báo điện tử Chính phủ dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho hay, xuất khẩu gạo trong tháng 2/2021 ước đạt hơn 262.000 tấn, tương đương khoảng 142,42 triệu USD, giảm 50,98% về khối lượng và giảm 40,18% về kim ngạch so với tháng 2/2020. Cộng dồn 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 608.768 tấn, tương đương 336,18 triệu USD. So với tháng 2/2020 giảm 34,45% về khối lượng và giảm 21,9% về kim ngạch.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo, việc sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm 2021 giảm là đương nhiên, không có gì phải lo lắng. Thống kê cho thấy, lượng gạo dự trữ của thế giới vẫn còn khá lớn, tính đến đầu năm 2021 là 178,3 triệu tấn (theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA), so với con số 150,6 triệu tấn gạo dự trữ đầu năm 2018 của thế giới. Sản lượng gạo năm 2021 cũng được USDA dự báo đạt 503,2 triệu tấn.
Trong tháng 1/2021, xuất khẩu gạo của cả nước ước đạt 347.774 tấn, tương đương 191,88 triệu USD (giảm 36,4% về khối lượng và giảm 34,2% về kim ngạch so với tháng 12/2020) và cũng giảm 15,4% về lượng và giảm 2,4% về kim ngạch so với tháng đầu năm 2020. Mặc dù vậy, giá xuất khẩu gạo tháng 1/2021 đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng 15,4% so với tháng 1/2020.
Philippines vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam trong tháng đầu năm 2021, chiếm 48% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang Philippines trong tháng 1/2021 sụt giảm mạnh 38% cả về khối lượng và kim ngạch so với tháng 12/2020, đạt 169.871 tấn, tương đương 91,38 triệu USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo sang Philippines tăng nhẹ 2%, đạt trung bình 537,9 USD/tấn.
Đứng vị trí thứ 2 trong tháng 1/2021 Trung Quốc đạt 57.849 tấn, trị giá 30,13 triệu USD, giảm 1,2% về lượng và giảm 3,9% về kim ngạch, chiếm 16% trong tổng lượng và tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Giá xuất khẩu đạt 520,9 USD/tấn, giảm 2,8%.
Tiếp sau đó là thị trường Ghana tăng rất mạnh 144,8% về lượng và tăng 150% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 39.341 tấn, tương đương 23,2 triệu USD, chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tuy nhiên giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 2,1%, đạt 589,6 USD/tấn.
Đáng chú ý, trong tháng 1/2021 xuất khẩu gạo sang thị trường Bờ Biển Ngà tăng mạnh nhất 274% về lượng và tăng 252,7% về kim ngạch so với tháng 12/2020, đạt 11.387 tấn, tương đương 6,63 triệu USD, chiếm trên trên 3% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tuy nhiên giá xuất khẩu giảm 5,7%, đạt 582,6 USD/tấn.
Vũ Ngọc DiệpCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.