Giá lương thực thế giới tăng mạnh nhất trong 18 tháng
Giá lương thực thế giới tăng vọt trong tháng 9, đạt mức cao nhất trong 18 tháng qua do giá đường tăng mạnh bởi lo ngại về nguồn cung từ Ấn Độ và Brazil.
Theo số liệu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 9 tăng mạnh nhất trong 18 tháng qua.
Cụ thể, chỉ số này đã tăng từ 120,7 điểm trong tháng 8 lên 124,4 điểm trong tháng 9, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 7/2023 và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này là do chỉ số giá đường tăng đột biến 10,4% so với tháng 8. Điều này xuất phát từ những lo ngại về việc Ấn Độ có thể dỡ bỏ hạn chế sử dụng mía trong sản xuất ethanol, ảnh hưởng đến nguồn cung đường xuất khẩu toàn cầu. Bên cạnh đó, mất mùa ở Brazil, một trong những nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, cũng góp phần đẩy giá đường lên cao.
Ngoài đường, giá các mặt hàng lương thực khác cũng đồng loạt tăng. Chỉ số giá ngũ cốc tăng 3% do giá lúa mì và ngô xuất khẩu tăng. Giá dầu thực vật tăng 4,6%, giá các sản phẩm từ sữa tăng 3,8% và giá thịt tăng 0,4%.
Mặc dù giá lương thực tăng, FAO vẫn đưa ra dự báo tích cực về sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2024. Tổ chức này đã điều chỉnh tăng dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu từ 2,851 tỷ tấn lên 2,853 tỷ tấn, chủ yếu nhờ sản lượng gạo và lúa mì tăng, bù đắp cho sự sụt giảm trong sản lượng ngũ cốc thô.
Tuy nhiên, việc giá lương thực thế giới tiếp tục tăng cao đặt ra những thách thức không nhỏ đối với an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Giá lương thực leo thang có thể làm gia tăng lạm phát, gây khó khăn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.