Giá mua điện mặt trời mái nhà có thể cao hơn mức 671 đồng/kWh
Bộ Công Thương đưa ra cách tính giá mua điện mặt trời tự dùng dư thừa mới, không cố định và có thể cao hơn mức 671 đồng một kWh như đề xuất trước đó.
Bộ Công Thương mới có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về dự thảo Nghị định Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Theo cơ quan này, điện tự sản, tự tiêu là điện được sản xuất và tiêu thụ do cùng một pháp nhân hoặc cá nhân tổ chức thực hiện để phục vụ chính cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân đó.
Về tỉ lệ mua điện dư, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, có quy mô công suất theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt nếu không dùng hết thì được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế tại khu vực miền Bắc và không quá 10% tại các khu vực còn lại (bao gồm cả khu vực Tây Nguyên).
Phương án 2: Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, có quy mô công suất theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt nếu không dùng hết thì được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 10% công suất lắp đặt thực tế.
Tuy vậy, Bộ Công Thương kiến nghị lựa chọn phương án 1 vì dự thảo đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Phương án này có ưu điểm là có sự khuyến khích lắp đặt điện mặt trời tại miền Bắc, nơi có năng lượng bức xạ thấp nhất trong cả nước. Tuy nhiên, phương án này cũng tạo sự phân biệt giữa các vùng miền nên Bộ cho rằng phương án 2 sẽ phù hợp với thực tế hơn.
Đáng chú ý, về giá điện, Bộ Công Thương cho hay giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia của năm hiện tại được áp dụng nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do các bên mua bán điện thỏa thuận theo quy định hiện hành.
Theo quy định này, EVN cho biết giá điện năng thị trường bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng/kWh. Nếu áp dụng phương án này, mức giá cho điện mặt trời mái nhà có thể không cố định ở 671 đồng/kWh (theo EVN tính toán chi phí tránh được bình quân năm 2023) như đề xuất trước đó.
Hiện cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Tuy nhiên, với nguồn điện mặt trời mái nhà không nối lưới sẽ không giới hạn công suất. Do đó, nhà chức trách sẽ bổ sung quy định để đơn giản tối đa các thủ tục như miễn trừ giấy phép, giải quyết thủ tục đăng ký trong 7 ngày làm việc.
Đặc biệt, với trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất lắp đặt trên 1MW và lựa chọn bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, theo Bộ Công thương, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp cấp giấy phép họa động điện lực theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo an toàn hệ thống, trước đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý cơ quan soạn thảo quy định các biện pháp kiểm soát khi huy động công suất dư lên lưới. Việc này cũng phải giao các công ty điện lực địa phương giám sát, theo từng khu vực, địa bàn.
Huyền My (t/h)Ngày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".