Giá ngô, đậu tương dần phục hồi sau 1 tuần biến động mạnh

Thị trường
09:25 AM 18/10/2021

Thị trường ngô, đậu tương thế giới vừa trải qua tuần đầy biến động trước các dữ liệu mới về tình hình cung – cầu nông sản thế giới. Giá ngô và đậu tương đã phục hồi nhẹ trong các phiên giao dịch cuối tuần nhờ lực mua kỹ thuật và tín hiệu Trung Quốc sẽ tăng cường thu mua thời gian tới.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tăng nhẹ 9 cents lên mức 5,23 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô).

Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 11/2021 đã tăng 11,5 cents lên 12,17 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương). 

Giá ngô, đậu tương dần phục hồi sau 1 tuần biến động mạnh - Ảnh 1.

Mức ước tính sản lượng ngô và đậu tương của Hoa Kỳ trong niên vụ 2021/2022 theo báo cáo WASDE tháng 10/2021

Tính chung cả tuần này, giá ngô đã giảm 1,73%, giá đậu tương giảm 0,89%; trong khi đó, giá lúa mì tăng nhẹ 0,41%. Trong đó, giá đậu tương đã ghi nhận tuần giảm giá thứ ba liên tiếp.

Đối với mặt hàng ngô, dữ liệu mới nhất cho thấy tiến độ thu hoạch ngô vụ mới tại Hoa Kỳ tính đến tuần kết thúc vào ngày 10/10 đã đạt tới 41%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm trở lại đây.

Báo cáo Triển vọng cung cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 10/2021 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố hồi đầu tuần này ước tính sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 của Hoa Kỳ đạt 15,01 tỷ giạ, cao hơn so với mức dự báo 14,9 tỷ giạ của giới đầu tư. Đồng thời, lượng tồn kho ngô cuối niên vụ 2020/2021 được USDA dự báo đạt 1,23 tỷ giạ, cao hơn đáng kể so với mức 1,18 tỷ giạ được giới đầu tư dự báo trước đó.

Những thông tin này cho thấy nguồn cung ngô trên thị trường sẽ sớm gia tăng trong thời gian tới và gia tăng áp lực giảm lên giá ngô. Tuy nhiên, việc giá ngô sụt giảm mạnh đã kích hoạt lực mua vào kỹ thuật, giúp giá mặt hàng này dần phục hồi trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần.

Đà phục hồi của giá ngô cũng được nâng đỡ nhờ việc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc giảm ước tính sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 của nước này còn 270,96 triệu tấn, giảm 0,85 triệu tấn so với các dự báo trước đó và điều chỉnh dự báo lượng ngô được nhập khẩu lên mức 20 triệu tấn.

Giá ngô, đậu tương dần phục hồi sau 1 tuần biến động mạnh - Ảnh 2.

Sản lượng ngô của Trung Quốc qua các niên vụ

Mặt khác, sự canh tranh của ngô Brazil đối với ngô Hoa Kỳ trên thị trường đã giảm xuống do nguồn cung ngô nội địa của Brazil bị suy giảm. Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng ngô xuất khẩu trong 10 ngày đầu tháng 10 của Brazil đã giảm 68% so với cùng kỳ năm trước và giảm 41% so với cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, nhập khẩu ngô của nước này từ đầu tháng 10 đến nay đã tăng 262% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với mặt hàng đậu tương, giá đậu tương đã được nâng đỡ nhờ triển vọng Trung Quốc sẽ tăng cường thu mua đậu tương và các sản phẩm liên quan như dầu đậu tương và khô đậu tương trong thời gian tới khi lượng tồn kho các mặt hàng này tại Trung Quốc đang liên tục suy giảm. Đồng thời, tình trạng thiếu điện diện rộng đang diễn ra tại nước này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động chế biến đậu tương.

Trong phiên giao dịch ngày 13/10 vừa qua, USDA đã ghi nhận việc xuất khẩu một lô đậu tương lớn 330.000 tấn sang Trung Quốc và một lô khác có khối lượng 198.000 tấn đến địa điểm giấu tên. Thông thường, các địa điểm giấu tên nhập khẩu lượng lớn đậu tương của Hoa Kỳ là Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thu mua đậu tương lớn nhất của Hoa Kỳ.

Brazil cũng đang tăng tốc tiến độ giao hàng đậu tương với lượng xuất khẩu trong 10 ngày đầu tháng 10 lên tới 1,4 triệu tấn, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Minh Đăng
Ý kiến của bạn