Giá nguyên liệu thế giới đang tăng 'chóng mặt'

Đầu tư và Tiếp thị
03:48 PM 06/05/2021

Từ giá thép, đồng, thiếc đến giá lương thực, thực phẩm... đều tăng vùn vụt thời gian qua.

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu mạnh mẽ của thị trường, sự bùng nổ chi tiêu của các chính phủ cho kế hoạch phục hồi sau đại dịch và ván cược vào nền kinh tế "xanh" đã khiến giá nhiều nguyên liệu thô quan trọng tăng mạnh.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào tháng 4/2021, trong số các mặt hàng tăng giá ngoạn mục nhất, thịt heo giữ thế "thượng phong" với mức tăng 51% trong một năm.

Tiếp sau là giá quặng sắt (thành phần quan trọng để sản xuất thép), palladium (nguyên liệu được các hãng xe sử dụng nhằm hạn chế khí thải độc hại) và gỗ xẻ đã đạt đỉnh trong tuần trước. Lượng tiêu thụ thép tăng mạnh trên toàn cầu, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục sau cú sốc đại dịch COVID-19, đang đưa giá quặng sắt tiến tới mức cao chưa từng có.

Giá nguyên liệu thế giới tăng 'chóng mặt' - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Giới phân tích dự báo giá quặng sắt tiêu chuẩn có thể đạt mức 200 USD/tấn, phá vỡ kỷ lục cũ là 194 USD/tấn cách đây một thập kỷ. Trong phiên giao dịch ngày 5/5, giá quặng sắt tương lai trên sàn Singapore Exchange tăng 0,4%, đạt 186,5 USD/tấn.

Giá đồng cũng không nằm ngoài xu thế tăng giá chung. Theo đó, giá đồng cũng lần đầu vượt 10.000 USD kể từ năm 2011 và hướng tới lập đỉnh cao nhất mọi thời đại. Thiếc vốn là nguyên liệu quan trọng dùng cho vi mạch điện tử, linh kiện ôtô, pin cũng đã tăng giá đến mức cao nhất kể từ năm 2011.

Trong khi đó, giá dầu thô tăng 30% một năm qua. Nhiều chuyên gia cho rằng các nền kinh tế đã mở cửa trở lại là nguyên nhân dẫn đến giá dầu tăng cao. Giá gỗ xây dựng đã tăng gấp ba lần trong thời gian 12 tháng. 

Giá ngũ cốc theo chỉ số Bloomberg ghi nhận cũng đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và đã lên đến mức cao nhất tính từ năm 2016. Còn giá đường cũng tăng cao do tình trạng thiếu container vận chuyển và nạn tắc nghẽn cổ chai tại các cảng. Tương tự, giá bắp, đậu tương và lúa mỳ cũng tăng mạnh do vấn đề giao hàng.

Giá nguyên liệu thế giới đang tăng 'chóng mặt' - Ảnh 2.

Giá nguyên liệu thế giới đang tăng 'chóng mặt'.

Trong bối cảnh giá cả thị trường căng thẳng như hiện nay, các công ty có xu hướng dự trữ trước nguyên liệu, do đó càng đẩy giá lên cao hơn nữa.

Lý giải nguyên nhân chung dẫn đến việc tăng giá nguyên liệu toàn cầu, ông Phạm Quang Anh - – Giám đốc Trung tâm Tin tức Việt Nam đánh giá rằng, mỗi mặt hàng sẽ bị tác động bởi các yếu tố nội tại của nó. Nhưng tình cờ, tất cả nguyên liệu đều tăng giá trong giai đoạn vừa rồi.

Ví dụ, là mặt hàng thiết yếu không bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng giá nông sản đã tăng mạnh do hạn hán ở Mỹ và Brazil. Từ năm ngoái, Opec giảm sản lượng dầu để hỗ trợ giá và biện pháp này sang 2021 mới phát huy tác dụng, kết hợp với kỳ vọng nhu cầu dầu cao hơn sau khi có vaccine. Cùng lúc, giá kim loại tăng khi Trung Quốc khôi phục sản xuất...

Bên cạnh việc cung đang tạm thời thiếu hụt so với cầu và chính sách nới lỏng tiền tệ ở nhiều quốc gia khiến tiền trở nên "rẻ" đi, thì giá hàng hóa "lên đồng" còn do các yếu tố như thiếu hụt container rỗng, chi phí vận chuyển tăng…

Các chuyên gia hiện vẫn chưa rõ cơn sốt giá nguyên liệu sẽ kéo dài trong bao lâu. Ông Alex Sanfeliu, lãnh đạo Cargill, cho rằng: "Đây có thể là một siêu chu kỳ nhỏ. Tôi cho rằng nó không kéo dài như siêu chu kỳ gần nhất".

Dương Dương (tổng hợp)
Ý kiến của bạn