Giá phân bón giảm thấp nhất trong 2 năm
Giá một số sản phẩm phân bón hiện tại chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước và đang ở mức thấp nhất 2 năm qua. Điều này khiến hàng triệu người nông dân vô cùng phấn khởi, tích cực sản xuất trở lại sau quãng thời gian oằn mình thua lỗ vì giá phân bón tăng phi mã.
Cùng kỳ năm trước, từ người nông dân đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đều kêu trời vì giá phân bón quá cao "ăn hết lợi nhuận". Để hạ nhiệt giá phân bón, đã có nhiều ý kiến đề xuất áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này. Tuy nhiên sang năm 2023, tình hình đã thay đổi hoàn toàn khi giá phân bón liên tục giảm.
Nếu lấy mốc đỉnh điểm hồi năm ngoái, thời điểm đầu vụ giá phân bón mới giảm nhẹ 20 - 30%; hiện nay giảm đến 30 - 50% tùy loại. Điều này giúp nông dân thở phào nhẹ nhõm khi giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu vào.
Ngày 12/4, giá NPK Phú Mỹ tại miền Bắc giao dịch khoảng 16.500-16.900 đồng/kg, NPK Việt Nhật từ 16.300-16.700 đồng/kg (giảm 1.800 đồng/kg so với hồi đầu năm), NPK Cà Mau là 15.100-15.700 đồng/kg (giảm 1.600 đồng/kg). Mức giảm tương ứng khoảng 10-15%.
Kali bột Cà Mau giao dịch 13.900 - 14.300 đồng/kg, Kali bột Phú Mỹ 13.900-14.300 đồng/kg, giảm khoảng 10-15%. Trong khi đó, phân Urê giảm khá mạnh với mức giảm từ 30-50%. Hiện, phân Urê Phú Mỹ giao dịch từ 10.700-11.7000 đồng/kg, Urê Hà Bắc từ 10.700-11.700 đồng/kg (giảm 3.600 - 4.000 đồng/kg so với hồi đầu năm).
Trên thị trường thế giới, giá Urê liên tục giảm mạnh xuống 307,5 USD/tấn, mức thấp nhất trong 27 tháng kể từ đầu năm 2021. So với đỉnh hồi giữa tháng 4 năm ngoái, giá loại hàng hoá này đã giảm đến 70% và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hiệp hội Phân bón VN nhận định đầu năm 2022 giá phân bón tăng tỷ lệ thuận với giá dầu khí thế giới. Nhưng từ quý 4/2022 giá dầu khí tuy không tăng và thế giới đứng trước tình trạng suy thoái ở nhiều thị trường quan trọng làm giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh, đặc biệt là u rê.
Bên cạnh đó, đầu năm 2022 việc giá phân bón trong nước và thế giới tăng quá cao đã vượt ngưỡng chịu đựng của người nông dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sức tiêu thụ. Điều này làm tồn kho tăng nhanh, chưa kể chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm dẫn đến giá phân bón giảm mạnh.
Mặt khác, Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại thị trường và dỡ bỏ các quy định hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ như trước.
Hai năm qua, giá phân bón tăng kỷ lục gấp 2,5-3 lần, có thời điểm cao nhất trong vòng 50 năm đã khiến nông dân không chịu được nhiệt, phải bỏ ruộng hoặc cắt giảm sản xuất. Thống kê cho thấy vụ Hè Thu 2022, diện tích lúa xuống giống vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 1,5 triệu ha, giảm 16.000 ha. Đến vụ Thu Đông 2022, diện tích lúa vùng này tiếp tục giảm hơn 3.500 ha.
Thương Huyền (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.