Giá phân bón khó giảm sâu từ giờ đến cuối năm
Theo phân tích tổng quan về giá dầu thế giới và biểu đồ giá phân bón từ đầu năm đến nay, nhiều chuyên gia đánh giá, về lâu dài, khó có thể khẳng định giá phân bón tiếp tục giảm sâu.
Giá phân bón "hạ nhiệt" tạm thời
Những ngày gần đây, giá phân bón trong nước có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, ngày 26/6, giá phân ure Hà Bắc là 850.000 đồng/bao/50 kg, giảm 20.000 đồng/bao so với 4 ngày trước đó; phân ure Phú Mỹ là 850.000 đồng/bao/50kg, giảm 25.000 đồng/bao; phân ure Đầu Trâu là 840.000 đồng/bao, giảm 10.000 đồng/bao so với 4 ngày trước đó.
Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, không chỉ tại Hà Nội, ngày 26/6, giá phân ure tại nhiều tỉnh, thành cũng giảm đến 45.000 đồng/bao/50 kg.
Cụ thể, phân ure Cà Mau tại An Giang là 795.000 đồng/bao/50 kg, giảm 40.000 đồng/bao so với 1 tuần trước đó. Phân ure Ninh Bình tại Gia Lai là 840.000 đồng/bao/50 kg, giảm 40.000 đồng/bao; phân ure Phú Mỹ cũng giảm 45.000 đồng/bao, còn 845.000 đồng/bao so với ngày 20/6…
Tương tự, ngày 26/6, giá một số loại phân kali nhập khẩu và sản xuất trong nước tại Hà Nội đều ghi nhận giảm nhẹ hoặc đi ngang. Cụ thể, giá phân kali bột Canada là 880.000 đồng/bao, giảm 30.000 đồng/bao so với 5 ngày trước đó; phân kali Hà Anh, phân kali Phú Mỹ đều được niêm yết ở mức 895.000 đồng/bao, không đổi so với 5 ngày trước đó.
Lý giải nguyên nhân giá phân bón đột ngột giảm mạnh, các chuyên gia phân tích ngành hàng phân bón cho rằng điều này rất bất thường, trái với quy luật, vì vậy nông dân chưa nên vội mừng.
Theo thông lệ trên thị trường thế giới, giá phân urê phụ thuộc chủ yếu vào giá dầu thế giới. Trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn được nhiều tổ chức phân tích thị trường dự báo vẫn khó giảm do nguồn cung thắt chặt. Với giá dầu thế giới vẫn ở mức cao và dự báo khó giảm trong những tháng cuối năm, Hiệp hội Phân bón Việt Nam dự báo, giá phân bón hạ nhiệt hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, khó có thể khẳng định giá phân bón tiếp tục giảm sâu.
Doanh nghiệp lại lo lắng
Giá phân bón đột ngột giảm mạnh trong tháng 6/2022, giúp giá phân bón trong nước “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, ngược với niềm vui của nông dân, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang lo lắng vì tồn kho tăng cao do cung vượt cầu, muốn xuất khẩu để giải phóng hàng tồn kho lại phải đối mặt với đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% từ phía Bộ Tài chính…
Chia sẻ với VnEconomy, theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), nếu thuế xuất khẩu phân bón (dự kiến áp mức 5%) được áp dụng, sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bị giảm sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp nước ngoài.
Mặc dù giá phân bón vẫn còn rất cao so với mức giá của 2 năm trước đây, nhưng với mức giá hiện nay, doanh nghiệp sản xuất phân bón đối diện với nguy cơ thua lỗ.
Nguyên nhân do giá dầu khí thời gian qua tăng quá cao, khiến giá thành sản xuất không thể hạ được. Với giá khí theo thị trường hiện nay, bình quân giá thành sản xuất phân đạm của Việt Nam hiện nay cao nhất thế giới.
Trong khi đó, giá khí ở các nước trên thế giới là giá khí nội địa, thấp hơn giá xuất khẩu. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất phân bón ở nước ngoài được hỗ trợ chi phí nguyên liệu đầu vào nên giá thành sản xuất cạnh tranh hơn so với Việt Nam.
Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần phát huy tối đa công suất và tìm mọi cách giảm chi phí, hạ giá thành, đặc biệt là giảm các đầu mối trung gian phân phối phân bón. Các DN cũng cần ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp trong nước trước khi nghĩ tới xuất khẩu.
Hiệp hội cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp để thay thế một phần phân vô cơ. Đặc biệt, lợi dụng giá phân bón tăng cao, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang được bày bán trên thị trường ngày càng nhiều, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, có các chế tài xử phạt các đại lý găm hàng bảo vệ lợi ích của người nông dân
Minh An (t/h)Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.