Giá phân bón nhập khẩu giảm 27,3%
6 tháng đầu năm 2023, giá phân bón nhập khẩu trung bình 346 USD/tấn, giảm mạnh 27,3% so với cùng kỳ.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023 cả nước nhập khẩu 415.196 tấn phân bón, tương đương 131,29 triệu USD, giá trung bình 316,2 USD/tấn, tăng 7,3% về lượng, tăng 6,9% kim ngạch nhưng giảm 0,4% về giá so với tháng 5/2023. So với tháng 6/2022 thì tăng mạnh 79,4% về lượng, tăng 21,9% kim ngạch nhưng giảm mạnh 32% về giá.
Tính chung trong 6 tháng năm 2023 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,7 triệu tấn, trị giá trên 589 triệu USD, giảm 4,4% về lượng, giảm 30,4% về trị giá.
Diễn biến của giá phân bón trên thị trường thế giới trong nửa đầu năm 2023 đã bớt "nóng" hẳn so với thời điểm 2021-2022, nhờ đó giá nhập khẩu giảm mạnh. Giá nhập khẩu 6 tháng trung bình 346 USD/tấn, giảm 27,3% về giá so với 6 tháng năm 2022.
Về thị trường phân bón nhập khẩu về Việt Nam, Trung Quốc vẫn đứng đầu, chiếm 50,2% trong tổng lượng và chiếm 46,5% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 854.000 tấn, tương đương 274 triệu USD, tăng 1,9% về lượng, nhưng giảm 20,6% về trị giá so với cùng kỳ. Giá nhập khẩu từ thị trường này cũng giảm 22%.
Lào là thị trường cung cấp phân bón lớn thứ 2 cho Việt Nam, với 107.300 tấn, tương đương 42,6 triệu USD, tăng 34,2% về lượng, nhưng giảm 7% về trị giá.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á đạt 230.600 tấn, tương đương 90,07 triệu USD, tăng 54,8% về lượng, nhưng giảm 2,9% trị giá so với cùng kỳ, chiếm 15,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt 1,32 triệu tấn, tương đương 418 triệu USD, tăng 3,7% về lượng, giảm 20,3% về trị giá.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTTP đạt 192.593 tấn, tương đương 30 triệu USD, giảm 31% về lượng, giảm 68,3% trị giá so với cùng kỳ, chiếm 11,3% trong tổng lượng và chiếm 5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhìn chung, trong 6 tháng năm 2023 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường giảm cả về khối lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Mặt bằng giá phân bón nhập khẩu đi xuống có lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Giá phân bón toàn cầu "nhảy múa" liên tục trong giai đoạn 2021-2022 do tác động từ đại dịch, đứt gãy chuỗi cung ứng và xung đột Nga - Ukraine, Nga đã tạm dừng xuất khẩu nhiều mặt hàng trong đó có phân bón.
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân bón giảm nhanh khi chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm. Nhất là sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ.
Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 3,4 triệu tấn phân bón từ 51 quốc gia, trị giá 1,62 tỷ USD, giảm 25,86% về lượng và tăng 10,1% về trị giá so với năm 2021. Giá nhập khẩu bình quân 477 USD/tấn, tăng 48,5% so với năm trước, trong đó, nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc lên tới 1,7 triệu tấn, trị giá 730 triệu USD.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.