Giá phân bón tăng chóng mặt, nông dân đau đầu nghĩ cách ứng phó

Đầu tư và Tiếp thị
01:48 PM 25/11/2021

Phân bón tăng cao gây sức ép cho việc sản xuất nuôi trồng của người nông dân, đồng thời khiến họ lo lắng vì mức lợi nhuận sẽ thu hẹp, thậm chí lỗ trong vụ Đông Xuân tới, vụ lúa được xem là chính vụ trong năm.

Giá phân bón thế giới từ đầu năm bật tăng mạnh theo giá nông sản và các chi phí đầu vào như khí, than, logistics… Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất lớn thực hiện bảo dưỡng khiến nguồn cung khan hiếm cũng là nguyên nhân đẩy giá các mặt hàng này lên mức cao nhất trong vòng 5 năm.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy giá ure có thời điểm lên xấp xỉ 353 USD mỗi tấn, tăng gần 53% so với cùng kỳ. Giá DAP vào đầu tháng 5 vượt mốc 570 USD, cao hơn năm trước 310 USD mỗi tấn, tương ứng tăng 118%.

Tại thị trường trong nước, giá ure Cà Mau và Phú Mỹ đầu tháng 4 dao động từ 8.700-9.100 đồng một kg, tăng khoảng 30% so với đầu năm. Giá phân ure do các nhà máy trong nước sản xuất thấp hơn giá phân nhập khẩu khoảng 500-700 đồng/kg. Giá DAP xanh đen đầu tháng 6 xấp xỉ 11.300 đồng/kg, trong khi đầu năm chỉ quanh 8.300 đồng. Giá DAP nhập khẩu từ Ai Cập, Hàn Quốc, Nga còn được đẩy lên cao hơn khi có mặt hàng chạm ngưỡng 15.000 đồng/kg.

Giá phân bón tăng chóng mặt, nông dân đau đầu nghĩ cách ứng phó - Ảnh 1.

Giá phân bón, thuốc BVTV chiếm 38% chi phí sản xuất lúa, nguy cơ nông dân mất lãi khi giá VTNN đang tăng cao. Ảnh minh họa: TL

Phân bón 'ăn' mất lãi của người nông dân 

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực sản xuất lúa gạo nhiều nhất nước, chiếm hơn 50% sản lượng gạo của quốc gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá vật tư đầu vào tăng chóng mặt, đặc biệt là phân bón tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của bà con nông dân.

Đáng nói, Đông Xuân là vụ lúa chính của ĐBSCL nên nông dân rất trông chờ ở vụ này. Thế nhưng, từ đầu tháng 4/2021 đến nay giá phân bón liên tục tăng và với mức giá hiện nay, dự báo vụ đông xuân 2021-2022 sẽ bị giá phân bón "ăn" mất lãi.

Giá phân bón tăng chóng mặt, nông dân đau đầu nghĩ cách ứng phó - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chiếm khoảng 38% tổng chi phí sản xuất lúa. Trong đó, chi phí phân bón chiếm 22%, chi phí thuốc BVTV chiếm khoảng 16%. Do đó, khi giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao sẽ làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp trong khi giá lúa lại không tăng khiến người nông dân đứng trước nguy cơ lỗ.

Trên thực tế, có một nghịch lý là lâu nay người nông dân không quyết định được giá đầu ra của hạt lúa. Nguyên nhân việc thu mua lúa chủ yếu do thương lái thực hiện và qua nhiều khâu trung gian từ “bạn hàng” mua lúa, đến nhà máy xay xát, nhà máy lau bóng rồi mới đến các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu. Do đó, giá mua lúa từ nông dân thường thấp, thậm chí còn gặp tình trạng thương lái ép giá khiến người trực tiếp làm ra hạt lúa lại hưởng lợi rất ít.

Giải pháp tạm thời để bám trụ

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), các vụ lúa ở khu vực phía Nam như vụ đông xuân, vụ hè thu có thể sản xuất ra khoảng 21 triệu tấn lúa gạo, chiếm 50% lượng lúa gạo cả nước. Tuy nhiên, năm nay giá vật tư tăng cao nên rất khó khăn để có giá thành sản xuất thấp. Vì vậy cần có giải pháp cho vấn đề này.

Giá phân bón tăng chóng mặt, nông dân đau đầu nghĩ cách ứng phó - Ảnh 3.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu tại buổi làm việc giữa Bộ NNPTNT với Giám đốc Sở NNPTNT 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), cho hay: Chi phí phân bón, thuốc BVTV chiếm khoảng 38% tổng chi phí sản xuất lúa. Trong đó, chi phí phân bón chiếm 22%, chi phí thuốc BVTV chiếm khoảng 16%. Chi phí này còn thay đổi tuỳ vào vụ mùa sản xuất và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai của từng địa phương. Khi giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao sẽ làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, cần các giải pháp hỗ trợ để người trồng lúa không bị thua lỗ, có thể chán nản mà bỏ vụ. Mặc dù vấp phải nhiều ý kiến tranh luận, nhưng ông Lê Thanh Tùng vẫn bảo lưu ý kiến, cho rằng nông dân, đặc biệt là nông dân vùng ĐBSCL cần giảm bớt lượng phân bón vì hiện nay, nhiều vùng vẫn bón phân quá lượng cần thiết gây lãng phí.

Để ổn định giá sản xuất cho nông dân trong thực hiện liên kết các cánh đồng mẫu lớn, phục vụ xuất khẩu lúa chất lượng cao, các doanh nghiệp (DN) đã hỗ trợ chi phí VTNN cho nông dân.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ Cao Trung An, cho hay: “Với 10.000ha cánh đồng lớn liên kết, công ty hỗ trợ cho nông dân tiền phân bón khoảng 9 tỉ đồng (30% của 50% số lượng phân). Bên cạnh đó, DN cũng mua lúa với giá cao hơn thị trường với tổng mức khoảng 18 tỉ đồng, cộng chung cả vụ là 27 tỉ đồng”.

Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) - ông Nguyễn Hữu Tho cũng chia sẻ: Ngay từ đầu năm 2021, DN đã cam kết sẽ không tăng giá VTNN trong cả năm 2021 để chung tay cùng người dân sản xuất và tiêu thụ lúa hiệu quả. Đặc biệt, trong vụ đông xuân 2021 - 2022, Lộc Trời mở rộng mô hình bao lợi nhuận tại các tỉnh Ðồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ... với diện tích khoảng 30.000ha. Lộc Trời bao toàn bộ chi phí đầu vào sản xuất cho người dân như thuốc BVTV, phân bón...

Theo đó, ngay từ đầu vụ, người dân sẽ ký thỏa thuận với Tập đoàn mức năng suất và mức lợi nhuận cố định. Nếu sản xuất tốt, năng suất thu được cao hơn mức cam kết thì người dân sẽ được hưởng phần tăng thêm đó.

Hiện giá nguyên liệu phân bón tăng cao là vấn đề toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Việc sản xuất phân hỗn hợp trong nước hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên khó thể can thiệp để giảm giá.

Trước tình hình này, trao đổi với các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm, tránh các hành động trục lợi từ việc tăng giá.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.