Gia tăng xu hướng sử dụng sản phẩm thay thế thịt tại Đông Nam Á

Quốc tế
04:33 PM 22/08/2023

Các chuyên gia cho rằng, việc giảm tiêu thụ thịt động vật và phát triển các sản phẩm thay thế thịt có thể là "chìa khóa" giúp khu vực Đông Nam Á vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu.

Theo báo cáo của tổ chức Asia Research Engagement (ARE), nếu Đông Nam Á muốn ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu thì khu vực này phải giảm sản xuất protein từ động vật và chuyển sang thực vật và các nguồn thay thế khác vào năm 2030.

Đến năm 2060, các loại protein thay thế protein động vật có thể sẽ chiếm hơn 50% lượng thực phẩm protein ở Đông Nam Á và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

"Để đạt được những mục tiêu này, cần phải có nguồn vốn lớn, sự cam kết bền vững của ngành công nghiệp thực phẩm châu Á, các nhà đầu tư và cả giới ngân hàng," ARE nhận định.

Thế giới đang dần quan tâm tới các sản phẩm protein thay thế. Ảnh: Angela Weiss/AFP

Thế giới đang dần quan tâm tới các sản phẩm protein thay thế. Ảnh: Angela Weiss/AFP

Hiện nay chăn nuôi quy mô lớn được coi là một nguồn phát thải carbon lớn, đồng thời là một trong những nguyên nhân gây ra nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học. Bởi nhiều trang trại thường phá rừng để trồng thức ăn chăn nuôi, như bột đậu tương và xây dựng các trang trại mới.

Mặc dù đây là vấn đề toàn cầu, nhưng ngành chăn nuôi đặc biệt quan trọng đối với các nước châu Á vì lục địa này cung cấp hơn một nửa protein động vật cho thế giới, bao gồm cả các động vật trên cạn và hải sản, ARE cho biết.

Thêm vào đó, khu vực này cũng là nơi có dân số phát triển rất nhanh và góp phần thúc đẩy tiêu thụ thịt. Vào năm 2020, Malaysia tiêu thụ khoảng từ 8,9 - 12,3 kg protein từ thịt và hải sản bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức khuyến nghị là 5,1 kg của Ủy ban Khoa học EAT-Lancet.

Mirte Gosker, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Thực phẩm Lành mạnh châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức chuyên tư vấn và nghiên cứu các loại protein thay thế, cho biết: Trong khi thịt lâu nay vẫn là nguồn cung cấp protein chính thì vẫn còn rất nhiều sản phẩm khác có thể cung cấp lượng protein tương tự. Cho dù có nguồn gốc từ thực vật, từ quá trình lên men hay được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thì các protein thay thế vẫn bảo đảm đủ chất cho con người và quan trọng đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo một báo cáo của Boston Consulting Group vào năm 2022, cứ mỗi một USD đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm thay thế thịt và sữa sẽ giúp giảm lượng khí nhà kính nhiều hơn bảy lần so với xây các tòa nhà xanh và thậm chí hơn 11 lần so với phát triển ô tô không phát thải.

Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến xu hướng này.

Theo Viện Nghiên cứu Thực phẩm Lành mạnh châu Á - Thái Bình Dương, vốn đầu tư vào phát triển các loại protein thay thế đã tăng từ 1 tỷ USD vào năm 2019 lên 5 tỷ USD vào năm 2021.

Thịt nuôi cấy từ phòng thí nghiệm đã và đang được thử nghiệm. Ảnh: USA Today

Thịt nuôi cấy từ phòng thí nghiệm đã và đang được thử nghiệm. Ảnh: USA Today

Các công ty tập trung vào phát triển protein thay thế từ quá trình lên men đã nhận được 1,7 tỷ USD đầu tư vào năm 2021, tăng mạnh so với 600 triệu USD từ năm 2020. Các công ty nghiên cứu thịt và hải sản trong phòng thí nghiệm nhận được 1,4 tỷ USD đầu tư, cao hơn đáng kể so với 400 triệu USD huy động được vào năm 2020.

Các công ty thực phẩm hàng đầu Đông Nam Á cũng đang quan tâm tới xu hướng này.

Chẳng hạn, hãng CP Foods của Thái Lan đã mở rộng nhãn hiệu Meat Zero có nguồn gốc từ thực vật tại Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) nhằm tăng cường chiến dịch tiêu thụ protein thay thế khắp châu Á.

ARE chỉ ra, mặc dù các sản phẩm cung cấp protein từ thực vật như đậu phụ, tương nén từ lâu đã nằm trong chế độ ăn truyền thống của người châu Á, nhưng chúng không thể thay thế thịt trong văn hóa ẩm thực châu Á.

Mirte Gosker, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thực phẩm Lành mạnh châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Nếu các quốc gia không ưu tiên sản xuất và phát triển các loại protein thay thế, thì hậu quả về khí hậu có thể rất lớn".

Để Đông Nam Á đáp ứng mục tiêu là chuyển sang các loại protein thay thế vào năm 2030, chính sách của chính phủ, chiến lược của các công ty và nguồn tài chính đa phương phải phù hợp.

Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng trong việc phát triển protein thay thế là nhu cầu của người tiêu dùng.

Michelle Huang, nhà phân tích tiêu dùng thực phẩm tại Rabobank, cho biết khách hàng sẽ là nhân tố quyết định sự phát triển của các loại protein thay thế trong tương lai. Người tiêu dùng thường cho rằng, các sản phẩm thay thế không mang lại hương vị, kết cấu giống như thịt bình thường, mà giá lại cao.

Huang nói thêm: "Chúng tôi chưa thấy những đột phá về công nghệ để mang lại hương vị thật và giá ngang bằng với các sản phẩm thịt thông thường. Nếu không có sự cải thiện về hương vị và giá cả, các thương hiệu mới sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển sự tò mò ban đầu của người tiêu dùng sang thói quen thường xuyên".

Bên cạnh đó, ngoài việc tập trung phát triển các sản phẩm protein thay thế, Huang cũng đề xuất các giải pháp triển khai các biện pháp chăn nuôi bền vững. Ví dụ, trong ngành sữa, nhiều công ty đang muốn phát triển các công nghệ sử dụng phân bò để sản xuất điện.

An Mai (Theo CNBC)
Ý kiến của bạn