Giá thép tăng lần thứ 5 liên tiếp

Thị trường
09:19 AM 25/02/2023

Giá thép xây dựng trong nước vừa được điều chỉnh tăng mạnh lần thứ 5 liên tiếp. Đáng chú ý, có doanh nghiệp tăng tới hơn 1 triệu đồng mỗi tấn thép.

Tính riêng chỉ trong tháng 2, một số thương hiệu thép trong nước đã tăng giá lần thứ 2 liên tiếp. Như sản phẩm thép cuộn CB240, một số doanh nghiệp sản xuất thép đã nâng giá thép thêm từ 150.000 - 210.000 đồng/tấn.

Giá thép tăng mạnh lần thứ 5 liên tiếp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có doanh nghiệp thép tăng tới hơn 1 triệu đồng/tấn với cả hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán vượt 17 triệu đồng/tấn.

So với lần điều chỉnh ngày 7/2, thương hiệu Thép Pomina tại miền Trung lần này điều chỉnh mạnh nhất với mức tăng 1,05 triệu đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, giá bán lên mức 17,57 triệu đồng/tấn; với thép thanh vằn D10 CB300 tăng 1,02 triệu đồng/tấn, lên mức giá 17,6 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu Thép Hòa Phát tăng 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 ở khu vực miền Bắc và miền Trung, lên mức giá lần lượt là 15,96 triệu đồng/tấn và 15,88 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, thép cuộn CB240 của Hòa Phát cũng được điều chỉnh tăng 150.000 đồng/tấn, giá bán là 15,98 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Đức tại miền Bắc cũng điều chỉnh tăng 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, lên mức giá 15,71 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp thép còn lại như Thép Việt Nhật, Thép Kyoei, Thép miền Nam,… chưa có động thái điều chỉnh. Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép cuộn CB240 đã có 5 đợt điều chỉnh tăng liên tiếp..

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, bình quân giá thép nội địa hiện nay tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 8%.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá nguyên vật liệu tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán nhiều lần để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Do đó, giá sắt thép dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi nguồn cung quặng sắt eo hẹp, trong khi nhu cầu có xu hướng tăng cao hơn.

Hiện nay, các nhà sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như nhu cầu xây dựng toàn cầu giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng và dư thừa nguồn cung từ cuối năm 2022.

Trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều thay đổi, triển vọng ngành thép trong năm 2023 được dự báo tiếp tục khó khăn, đặc biệt trong nửa đầu năm. Bên cạnh đó, triển vọng trong năm này của các doanh nghiệp thép cũng bị đè nặng bởi sự ảm đạm của thị trường bất động sản dân cư.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.