Giá thép trong nước tụt dốc, 5 đợt giảm trong vòng 1 tháng
Trong bối cảnh hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng có xu hướng tăng giá do lực đẩy của giá xăng, thì giá thép trong nước lại đồng loạt hạ nhiệt. Kể từ ngày 11/5, giá thép trong nước đã có 5 đợt giảm liên tiếp.
Đầu tháng 6, nhiều thương hiệu thép trong nước thông báo tiếp tục hạ giá sản phẩm từ 300.000-310.000 đồng/tấn.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép xây dựng ở cả ba miền. Hiện, giá thép CB240 và D10 CB300 tại miền Bắc lần lượt ở mức 16,9 triệu đồng/tấn và 17,5 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, giá hai loại thép CB240 và D10 CB300 cũng giảm 300.000 đồng/tấn, xuống còn 16,95 triệu đồng/tấn và 17,41 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm giá bán dòng thép cuộn CB240 giảm 300.000 đồng/tấn xuống mức 16,8 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310.000 đồng/tấn, giá bán ở mức 17,4 triệu đồng/tấn.
Hay với công ty thép miền Nam cũng giảm 300.000 đồng/tấn với thép CB240 và 310.000 đồng/tấn với thép CB300, xuống còn 17,3 triệu đồng/tấn và 17,7 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina tiến hành giảm 300.000 đồng/tấn đối với cả 2 loại thép CB240 và CB300, giá bán còn 17,76 triệu đồng/tấn và 17,96 triệu đồng/tấn.
Tính từ ngày 11/5, đây là lần giảm thứ năm liên tiếp của giá thép trong nước với tổng mức giảm hơn 2 triệu đồng/tấn. Trong đó, thép CB240 và CB300 của Hòa Phát tại miền Bắc giảm lần lượt 2,04 triệu đồng/tấn và 1,58 triệu đồng/tấn. Thép CB240 và CB300 của thép Việt Ý cũng giảm 1,97 triệu đồng/tấn và 1,57 triệu đồng/tấn.
Nguyên nhân khiến giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống trong thời gian gần đây. Giá nguyên vật liệu trong sản xuất thép liên tục giảm từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường thép chững lại.
Cụ thể, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 9/5 giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc) giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4; Hay giá thép phế liệu loại HMS 1/2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn CFR Đông Á ngày 9/5 giảm 94 USD/tấn so với hồi đầu tháng 4.
Trong khi đó, sản lượng bán hàng thép các loại chỉ đạt hơn 2,4 triệu tấn, giảm 22,52% so với tháng 3 và giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Và lượng xuất khẩu cũng sụt mạnh tới 44% so với tháng 3 và chỉ tăng nhẹ gần 5% so với năm 2021.
Ngành thép không còn thuận lợi như những năm trước do nhu cầu giảm trong khi nguồn cung không đổi. Điều này sẽ gây áp lực lên giá thép từ nay đến cuối năm. Mặt khác, chính sách Zero Covid khiến nhu cầu thép của Trung Quốc giảm mạnh trong khi đây lại là thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới. Do đó, việc Trung Quốc phong toả khiến tổng cầu trên thế giới cũng suy giảm.
Nhận định về triển vọng ngành thép năm 2022, trao đổi với các cơ quan báo chí ông Trần Đình Long, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoà Phát cho biết, đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy ngành thép thê thảm thế nào. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm.
HM (T/h)Bộ Tài chính trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh Lào Cai 150 tỷ đồng và tỉnh Yên Bái 30 tỷ đồng để hỗ trợ khẩn cấp cho 2 tỉnh khắc phục hậu quả do bão số 3.