Giá thép xây dựng giảm lần thứ 19 liên tiếp
Giá thép xây dựng trong nước lại được điều chỉnh giảm lần thứ 19 liên tiếp, đưa giá bán về 13 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Đà giảm của giá thép xây dựng trong nước vẫn tiếp diễn. Một số doanh nghiệp thép trong nước vừa thông báo giảm 100.000-310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, còn giá thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên giá bán sao với lần điều chỉnh trước đó.
Theo số liệu từ Steel Online, so với lần điều chỉnh vào ngày 23/8, ở đợt giảm giá lần này, thương hiệu Thép Hòa Phát hạ giá 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240 ở cả 3 miền. Giá sau điều chỉnh, giá dòng thép này ở miền Bắc, miền Trung xuống còn 13,43 triệu đồng/tấn; trong khi ở miền Nam có giá bán 13,53 triệu đồng/tấn.
Còn giá thép thanh vằn D10 CB300 của Hòa Phát ở lần điều chỉnh này vẫn được giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước, ở mức 13,74-13,79 triệu đồng/tấn.
Cùng xu hướng, thép Việt Ý tại miền Bắc giảm 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, giá còn 13,43 triệu đồng/tấn; dòng thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ ở mức giá 13,69 triệu đồng/tấn.
Ở đợt giảm giá lần này, thương hiệu Thép Việt Đức có mức giảm mạnh nhất. Thép Việt Đức cũng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, giá bán về mức 13,74 triệu đồng/tấn. Còn sản phẩm sản phẩm thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu này vẫn có giá bán là 13,89 triệu đồng/tấn.
Còn tại miền Trung, Thép Việt Đức giảm 200.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240, giá xuống mức 13,84 triệu đồng/tấn. Dòng thép D10 CB300 vẫn có giá bán là 14,14 triệu đồng/tấn.
Với mức giảm 200.000 đồng/tấn, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu Kyoei Việt Nam (KSVC) đang ở mức 13,46 triệu đồng/tấn. Thép D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức 13,71 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina cũng hạ 110.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 còn 13,48 triệu đồng/tấn, còn thép vằn thanh đang được bán ra ở mức 14,38 triệu đồng/tấn.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã có tới 19 lần giảm liên tiếp, tùy thương hiệu mà tần suất điều chỉnh giá khác nhau. Hiện giá thép trong nước dao động quanh mức 13-14 triệu đồng/tấn. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu. Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định quý 3 sẽ là quý đầy thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất thép khi giá bán trung bình thấp hơn và lực cầu dự kiến sẽ yếu do mùa mưa.
VSA dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình tiêu thụ thép vẫn kém và có thể còn nhiều đợt giảm giá nữa. Đây là tình hình khó khăn chung của toàn ngành thép khi giá liên tục giảm từ đầu quý 2 cho tới nay, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thấp khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất.
Thương Huyền (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.