Giá thịt lợn ở mức cao sẽ là áp lực đối với lạm phát năm 2020
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn hiện chiếm tỷ lệ lớn từ 70-90% giá lợn hơi nên giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao dù thịt lợn hơi giảm.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc kinh doanh thịt lợn tại chợ đầu mối Minh Khai, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho biết giá các mặt hàng thực phẩm bốn tháng năm tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng hơn 3%; trong đó giá thịt lợn tăng 61,5% so cùng kỳ năm trước đã làm CPI tăng thêm 2,58%.
Hiện giá thịt lợn hơi ở mức 75.000-90.000 đồng/kg, giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường từ 140.000-180.000 đồng/kg. Nếu giá thịt lợn tiếp tục đứng ở mức cao như vậy sẽ là áp lực đối với lạm phát năm 2020. Riêng thịt lợn chiếm hơn 4% trong “rổ” tính toán CPI hàng tháng.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn hiện chiếm tỷ lệ lớn từ 70-90% giá lợn hơi. Vì vậy, giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao dù thịt lợn hơi giảm.
Theo khảo sát ở chợ truyền thống, giá thịt lợn hiện vẫn được bán phổ biến ở mức cao từ 110.000-170.000 đồng/kg tùy loại.
"Cung" và "cầu" quá chênh lệch, giá thịt lợn hơi vẫn chưa thể bình ổn
Phân tích của các chuyên gia, mỗi một kg thịt lợn bán lẻ đến tay người tiêu dùng trải qua 6-7 khâu trung gian như thương lái, vận chuyển, thú y, giết mổ, lợi nhuận của các thương nhân chợ đầu mối, đóng gói, nhãn mác, thuế VAT đối với thịt lợn bán trong siêu thị... và mỗi khâu trung gian mất thêm chi phí. Do đó, khi giá thịt lợn hơi ở mức cao, cộng với chi phí các khâu trung gian cộng vào làm giá bán lẻ vẫn neo ở mức cao.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng giá thịt lợn “đứng” ở mức cao trong thời gian dài là đáng quan tâm, lo ngại cũng như đặt ra sức ép trong điều hành giá ở tầm vĩ mô năm 2020.
Như vậy, việc ổn định CPI đang dồn “gánh nặng” vào việc đưa giá thịt lợn hơi về mức 60.000-65.000 đồng/kg và là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay.
Để bình ổn CPI năm 2020, ông Lâm cho biết mặc dù Chính phủ và các bộ đã vào cuộc tuy nhiên hiện tại giá thịt lợn vẫn đang ở mức rất cao do chưa đảm bảo nguồn cung, chi phí cho các khâu trung gian còn cao.
Ông Lâm cho rằng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tăng cường tái đàn, cân đối cung cầu để điều hành giá thịt lợn năm 2020 về mức từ 60.000-65.000 đồng/kg vừa đảm bảo lợi ích tiêu dùng, lợi ích của doanh nghiệp và ổn định vĩ mô.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đôn đốc hoạt động tái đàn tại những địa phương đã hết dịch tả lợn châu Phi, theo tinh thần tranh thủ tối đa thời gian. Tuy nhiên, các địa phương cần có sự theo dõi sát sao tình hình dịch trên địa bàn và sự tỉnh táo, quyết đoán trong chỉ đạo cho tái đàn ở cấp địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết để kéo giá thịt lợn xuống phải tập trung tái đàn một cách nhanh chóng, kết hợp với bảo đảm an toàn, tránh dịch bệnh, hướng tới khả năng cân bằng cung-cầu trong quý 3 và quý 4. Đồng thời, các bộ, ban, ngành cùng vào cuộc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tái đàn lợn; đặc biệt là ngân hàng trong hỗ trợ vốn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong thời gian này, cần nhập khẩu đủ thịt lợn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý thịt lợn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng đó, tuyên truyền khuyến khích người dân thay đổi thói quen sử dụng thịt lợn đông lạnh thay cho thịt nóng.
Ngoài ra, cần làm tốt công tác quản lý thị trường, phòng tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý; đặc biệt, cần loại bỏ các khâu trung gian, lòng vòng gây đội giá thịt lợn.
Bên cạnh đó, việc điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý như giá dịch vụ y tế hoặc giáo dục cũng cần được theo dõi và có bước đi phù hợp nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020.
Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành không điều chỉnh bất cứ mặt hàng nào do Nhà nước quản lý trong sáu tháng đầu năm…/
Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam )
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.